Nông nghiệp Bình Dương khởi sắc nhờ ứng dụng công nghệ cao

P.V Thứ sáu, ngày 06/11/2020 11:27 AM (GMT+7)
Những năm qua, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã mang lại gương mặt mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, nhiều mô hình được đầu tư lớn mang lại hiệu quả kinh tế và tạo nguồn thu nhập cao cho người nông dân.
Bình luận 0

Để hướng đi này ngày càng tương xứng với tiềm năng và lợi thế, Bình Dương đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào NNCNC, công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Công nghệ cao phù hợp sinh thái

Tính đến nay, Bình Dương đã có 4 khu NNCNC gồm: Khu NNCNC Tiến Hùng, khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang, khu NNCNC tại thị xã Tân Uyên và khu NNCNC An Thái thuộc huyện Phú Giáo. Trong đó, nổi bật là khu NNCNC An Thái (Unifarm) do công ty CP đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích trên 412ha.

Nông nghiệp Bình Dương khởi sắc nhờ ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm, huyện Phú Giáo. Ảnh: Thoại Phương

Được hình thành từ năm 2008, Unifarm đã trở thành mô hình kinh tế xanh điển hình của tỉnh, là nơi được rất nhiều hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Trong nhiều năm liền, Unifam cũng là đơn vị sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của tỉnh trong ngành nông nghiệp.

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc U&I kể, Philippines là đất nước trồng chuối nổi tiếng ở châu Á. Bên cạnh các chuyên gia người Israel, U&I cũng mời thêm một số chuyên gia người Philippines sang để cùng nhau gây dựng và phát triển những cánh đồng chuối có năng suất cao và chất lượng tốt nhất. Không chỉ có chuối, sản phẩm dưa lưới ở Unifarm hiện cũng đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn trên toàn quốc. Ở thị trường xuất khẩu, hiện 2 mặt hàng chuối và dưa lưới của Unifarm đã xuất sang Hàn Quốc, Singapore…

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, toàn bộ bộ quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch đều được Unifarm áp dụng công nghệ hiện đại. Unifarm sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp bà con chuyển hướng cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân có tâm huyết phát triển mô hình NNCNC. Ông Liêm đánh giá, nếu không có sự hỗ trợ của điện năng và công nghệ thì NNCNC khó có thể áp dụng được. "Áp dụng công nghệ cao nhưng phải có giá trị kinh tế cao thì mới thuyết phục được người dân, từ đó chuyển giao công nghệ cho nông dân được", ông Liêm nhấn mạnh.

Đơn cử như việc tận dụng thế mạnh của ong, kiến vàng - nhóm côn trùng có khả năng khống chế và tiêu diệt nhiều loại côn trùng gây hại trong vườn cây không cần dùng tới thuốc trừ sâu. "Canh tác bằng những hiểu biết sâu sắc về thiên nhiên cũng là làm công nghệ cao chứ không chỉ là đầu tư vốn lớn hay công nghệ cao quá cao siêu. Khi hiểu rõ những giá trị lợi ích này, nông dân sẵn sàng ứng dụng và làm theo", ông Liêm nói.

Nông nghiệp Bình Dương khởi sắc nhờ ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 2.

Dùng "thiên địch" kiến vàng xua đuổi, tiêu diệt côn trùng gây hại trên vườn cây có múi.

Anh Doãn Văn Bắc, nông dân trồng dưa lưới tại huyện Phú Giáo kể, lúc cây bắt đầu trổ hoa thì anh dùng con ong để thụ phấn. Nguồn ong này được anh mua lại từ các vườn nuôi ong lấy mật. Nhờ ong thụ phấn nên cây ra hoa trái đồng đều và hiệu quả hơn thụ phấn kiểu thủ công. Với cách làm này, mỗi cây ra đều đặn từ 4-5 trái. Sau đó, anh cắt tỉa hết và chọn lấy 1 trái chuẩn nhất để  tiếp tục nuôi dưỡng đến khi thu hoạch.

Theo anh Bắc, cây của anh được trồng trên giá thể để thuận tiện việc xử lý tuyến trùng trong đất sau các vụ thu hoạch. Giá thể chủ yếu là xơ dừa, phân trùn quế... Nguồn dinh dưỡng được trộn sẵn trong bể rồi đưa qua ống dẫn, nhỏ giọt vào từng gốc. Cây trồng sau 60 ngày thì ngưng bón phân để tạo độ ngọt. "Theo quy trình công nghệ này, trung bình 1.000m2, bà con có thể thu hoạch khoảng 3 tấn dưa lưới. Với giá trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, người trồng có lãi từ 50-60 triệu đồng một vụ", anh Bắc chia sẻ.

Đầu tư sâu rộng

Nông nghiệp Bình Dương khởi sắc nhờ ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 3.

Nhân viên Unifarm thu hoạch dưa lưới.

Không chỉ chuối, dưa lưới, những mô hình ứng dụng kỹ thuật cao cũng được bà con nông dân áp dụng và đầu tư thành những vùng chuyên canh trên các loại cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi… Đến vùng phía bắc tỉnh Bình Dương, người ta dễ dàng bắt gặp hàng trăm hécta cam, quýt đã được phủ lưới bạc và xử lý ra hoa trái vụ. Cách làm này giúp năng suất đạt rất cao, bình quân từ 30-40 tấn/ha; cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác cũ trước đây. Chất lượng sản phẩm cũng đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại huyện Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng đang liên doanh với Unifarm thực hiện dự án trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 117 ha; và đang lập thủ tục đầu tư tại xã Long Hòa 2.300 ha cây có múi.

Riêng với người dân trên địa bàn huyện này, viêc đầu tư sản xuất các mô hình NNCNC cũng lên gần 30ha. Bà Trần Thị Ngọc Tuyết, hộ dân xã Định Thành kể, từ khi chuyển đổi từ cây cao su sang trồng quýt và bưởi, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn. Theo chị Tuyết, so với trồng cao su và điều thì thu nhập từ dưa lưới tính trên 1ha cao gấp hàng chục lần. Nhờ ứng dụng công nghệ, cây trồng đã giảm nhiều rủi ro ảnh hưởng từ dịch bệnh, khí hậu, năng suất tăng lên 30% so với canh tác truyền thống.

UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, hiện năng suất cây có múi trên địa bàn đạt từ 45-60 tấn/ha; đạt doanh thu từ 1,4 - 1,6 tỷ đồng/ha; lợi nhuận từ 800 triệu/ha/năm. Ngoài ra, huyện đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa, Minh Thạnh.

Những kết quả bước đầu trong tái cơ cấu cũng như phát triển NNCNC ở huyện Dầu Tiếng hay Phú Giáo... nói riêng và toàn tỉnh Bình Dương nói chung là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thị trường.

Nông nghiệp Bình Dương khởi sắc nhờ ứng dụng công nghệ cao - Ảnh 4.

Ứng dụng công nghệ cao giúp nông sản Bình Dương đạt năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được vẫn chưa thật tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bình Dương chưa có nhiều mặt hàng nông sản mang thương hiệu lớn, vững vàng trên thị trường quốc tế. Ngoài chi phí đầu tư cao, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn thì thị trường tiêu thụ không ổn định cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nông dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển NNCNC.

Ông Nguyễn Phương Linh - Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, huyện chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư khai thác sâu vào việc chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm cuối cùng chứ không phải xuất thô như hiện nay.

Theo ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp những năm qua, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng cao. Nhiều mô hình NNCNC cho thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

"Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề, cung cấp cho nông dân kiến thức để thực hành sản xuất hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng công nghệ. Chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cũng cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm", ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem