LTS: Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau khi dịch Covid-19 từng bước được khống chế ở các tỉnh phía Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ NNPTNT cùng các địa phương triển khai nhằm đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Dù nhiều khó khăn nhưng các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đã sẵn sàng tăng tốc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với chi phí đầu tư tăng, tình hình thời tiết bất lợi khiến nhiều nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL vẫn e dè tái sản xuất, nguồn nguyên liệu tôm dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn các tỉnh có diện tích nuôi lớn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau thời gian qua có nhiều biến động.
Cụ thể, giá tôm sú loại 30 con/kg vào tháng 7 có lúc giảm còn 155.000 - 160.000 đồng/kg; hiện đã tăng lên mức 180.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn giá tôm thẻ chân trắng lên xuống rất thất thường. Vào thời điểm cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, giá tôm thẻ loại 100 con/kg chưa tới 70.000 đồng/kg; so với thời điểm tháng 6 giảm khoảng 30%.
Hiện nay, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, giá tôm thẻ cũng tăng trở lại, tuy nhiên cũng chỉ ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Khắc Nhật Tiến (ngụ TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết, giá tôm thẻ đang vào ngưỡng người nuôi có thể huề vốn, tuy nhiên vẫn còn khá thấp.
Trong khi đó, hiện nhiều nông dân, doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tái sản xuất.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ, treo ao. Sau khi tình hình dịch bớt căng thẳng thì gặp ngay thời điểm vụ nghịch. Thông thường, người nuôi tôm sẽ ít thả nuôi vào thời điểm này (từ tháng 8-10 âm lịch) do có mưa và độ mặn của nước cũng chưa đáp ứng để nuôi tôm hiệu quả. Để sản xuất phục hồi tôi nghĩ phải đến tháng 11, 12 âm lịch tới" - ông Tiến cho hay.
Nông dân Trần Quang Hiên (xã Tân Thành, TP.Cà Mau, Cà Mau), cho hay: "Điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường khiến việc thả tôm không thuận lợi. Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến con tôm thả xuống không đạt. Bên cạnh đó, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, nếu có mưa nhiều thì thả tôm cũng không lớn, nên nhiều người chưa dám xuống giống. Đối với nông dân nuôi tôm quảng canh thì phải qua tháng 10 âm lịch họ mới thả giống nhiều".
Trong khi đó, nhiều nông dân cũng cho biết giá thức ăn đang khá cao, thức ăn tôm sú loại 20kg ở mức 850.000-900.000 đồng/bao; cho tôm thẻ 750.000-800.000 đồng/kg, dẫn đến diện tích thả giống thời điểm này là rất ít.
Trong khi đó, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng mạnh, thiếu lao động, thiếu nguyên liệu... đang là những khó khăn rất cơ bản doanh nghiệp phải đối mặt.
Do giá tôm thất thường và tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua mà nhiều người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau lựa chọn treo ao.
Như tại HTX thủy sản Hòa Hiệp (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau), các xã viên chỉ đang nuôi khoảng 20/58ha diện tích.
Trong khi đó, hiện nhiều hộ nuôi tôm quảng canh cũng hạn chế thả giống do điều kiện thời tiết vào mùa mưa, bất lợi cho tôm phát triển. Những điều này được cho là gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường (xã Tắc Vân, TP.Cà Mau) là một trong những đơn vị đang thiếu tôm nguyên liệu để chế biến. Hiện công suất của công ty chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chi phí sản xuất của công ty đã tăng khoảng 3 lần; chi phí logistics cũng tăng mạnh, hàng qua châu Âu tăng tới 7 lần và doanh nghiệp phải tốn gần 300 triệu đồng/container. Cũng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà công ty đang thiếu công nhân.
Thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã khẩn trương rửa mặn, xuống giống vụ tôm trên đất lúa đúng theo lịch thời vụ. Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh sản xuất lúa trên đất nuôi tôm với diện tích 36.220ha.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường, thị trường xuất khẩu dư địa còn nhiều, sản xuất bao nhiêu cũng tiêu thụ được. Nhưng bên cạnh việc không đủ nguyên liệu, thì dịch Covid-19 đang là rào cản lớn.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị xuất khẩu tôm của Cà Mau không giảm so với cùng kỳ. Tính đến tháng 9, sản lượng tôm chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 128.000 tấn, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Còn giá trị xuất khẩu đạt khoảng 740 triệu USD, bằng 71% kế hoạch, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ.
Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, thông tin: Thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Cà Mau như: EU; Mỹ, Nhật... đã triển khai tiêm vaccine diện rộng, trở lại với các hoạt động bình thường đang kích thích thị trường mạnh mẽ. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại nước ta tham gia như: CPTPP, EVFTA… đang được doanh nghiệp tận dụng để có lợi thế.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu tôm ở các thị trường khá tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã nỗ lực giữ vững được các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu như: Mỹ tăng 34%, EU tăng 70%, Hàn Quốc tăng 2,1%, Trung Quốc tăng 5,2%, Úc tăng 64,5%, Canada tăng 1,92%.
Ông Nam cũng nhìn nhận: Các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận thì giảm dochi phí vận chuyển, logistics tăng nhiều. Về công tác phòng chống dịch thì doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" khiến các doanh nghiệp không thể dùng hết lực lượng lao động, chủ yếu hoạt động 30 - 50% công suất.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.