Cà Mau: Nuôi sò huyết ngon, ăn bổ dưỡng, nhưng gặp dịch Covid-19 giá giảm lắm rồi vẫn không bán được

Chủ nhật, ngày 19/09/2021 06:37 AM (GMT+7)
Cùng với con tôm, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá sò huyết giảm so với trước. Bên cạnh đó, thương lái không đến thu mua, ảnh hưởng phần nào đến sản xuất cũng như mở rộng diện tích của người dân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi (tỉnh Cà Mau).
Bình luận 0

Anh Nguyễn Văn Giang, có hơn 3 năm làm nghề thu mua sò huyết trên địa bàn xã Quách Phẩm. Trước đây, anh Giang thu mua mỗi ngày từ 20-30 kg sò huyết. 

Tuy nhiên, từ lúc dịch Covid-19 xảy ra, mỗi ngày anh chỉ mua từ 2-5 kg của người đi mò sò dưới sông. Nguyên nhân, do nhiều đầu mối ngừng thu mua vì không xuất được hàng. Trước đây loại 100 con/kg có giá hơn 100.000 đồng, nay chỉ còn khoảng 70.000 đồng, nhưng không có đầu mối tiêu thụ.

Cà Mau: Nuôi sò huyết ngon, ăn bổ dưỡng, nhưng gặp dịch Covid-19 giá giảm lắm rồi vẫn không bán được - Ảnh 1.

Người dân huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) kiểm tra sò huyết đang tới lứa thu hoạch.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ai (ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nuôi sò huyết hơn 2 năm qua. 

Riêng năm nay, với diện tích đất 1 ha, ông thả 700 kg sò giống (khoảng 1.000 con/kg), mật độ thả khoảng 100 con/m2, chi phí con giống 140 triệu đồng. Sau hơn 8 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng 70 con/kg. Trước khi dịch bệnh xảy ra, cỡ sò này có giá 170.000 đồng/kg, hiện giảm chỉ còn 100.000 đồng nhưng không có thương lái mua. 

Bên cạnh đó, với diện tích 5 ha đất hùn với người khác, ông Ai cũng thả 2,5 tấn sò huyết, vốn khoảng 500 triệu đồng, sau gần 8 tháng nuôi sò cũng đạt trọng lượng 90 con/kg. 

Ông Ai cho biết, với diện tích 6 ha nuôi sò hiện nay, gia đình thu hoạch trên 4,5 tấn sò. Tuy nhiên, từ lúc dịch bệnh đến nay, dù giá sò giảm nhưng kiếm thương lái đến mua cũng rất khó khăn, gia đình đành tiếp tục duy trì diện tích đến khi hết dịch.

Anh Giang chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đầu mối không tiêu thụ hàng. Cơ sở của tôi chỉ mua giúp người dân đi mò sò dưới sông, rồi dèo lại để khi có dịp sẽ chuyển đi. Nếu không mua thì bà con sẽ khó khăn, nhưng khi dèo lại, không may sò chết thì tôi mất luôn tiền vốn”.

“Giờ giá giảm mà không có thương lái đến mua. Tiền vốn đầu tư, tiền vay mượn để thả giống mà không có đầu ra, gia đình đang gặp khó khăn”, ông Ai bày tỏ.

Hiện trên địa bàn xã Quách Phẩm có khoảng 1.600 hộ nuôi sò huyết, diện tích 1.700 ha. Ông Nguyễn Minh Thống, Phó chủ tịch UBND xã Quách Phẩm, cho biết: “Hiện xã đang tập trung kết nối với các cơ sở mua bán sò tăng cường thu mua sản phẩm của nông dân, để bà con an tâm hơn trong sản xuất. Cũng kiến nghị cấp trên quan tâm liên kết chuỗi sản xuất để tìm đầu ra cho con sò”./.

Ca Quỳnh (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem