Cà Mau: Lúa sạch Thới Bình có gì đặc biệt mà bán đắt hơn thị trường 500-700 đồng/kg?

Chúc Ly Thứ bảy, ngày 02/10/2021 14:00 PM (GMT+7)
Cà Mau xác định OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Bình luận 0

Cà Mau trồng lúa, nuôi tôm theo hướng hữu cơ

Những năm qua, huyện Thới Bình nỗ lực xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm sinh thái, không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị, giảm giá thành sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng. 

Huyện đã nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương, được trồng trên vùng đất nuôi tôm tự nhiên, từng bước nâng cao chất lượng với nhiều sản phẩm gạo đạt chuẩn OCOP.

Cuối năm 2018, địa phương đã xây dựng đề án bảo hộ nhãn hiệu "Lúa sạch Thới Bình", với mục tiêu đạt từ 10.000-20.000ha/năm.

 Trên cơ sở đó, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu chứng nhận "Lúa sạch Thới Bình". Theo kế hoạch, đến năm 2025 toàn huyện có khoảng 5.000ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ.

Nâng “chất” lúa, tôm  - Ảnh 1.

Bánh phồng tôm là sản phẩm đặc trưng của huyện Ngọc Hiển. Ảnh: C.L

Điển hình trong phong trào này phải kể đến Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - Sản xuất lúa - tôm Trí Lực. Chỉ sau 1 năm thành lập, toàn HTX đã có 117ha lúa đạt chứng nhận lúa hữu cơ và khoảng 700ha lúa đạt chứng nhận lúa sạch.

Hiện sản phẩm gạo Hoàng Yến (ST24) là sản phẩm đặc trưng của xã Trí Lực, thuộc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, được Hội đồng thẩm định OCOP tỉnh đánh giá phân hạng 3 sao vào cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thới Bình cho biết, nhờ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá lúa cao hơn thị trường từ 500-700 đồng/kg.

Cà Mau: Lúa sạch Thới Bình có gì đặc biệt mà bán đắt hơn thị trường 500-700 đồng/kg? - Ảnh 2.

Huyện Thới Bình hướng tới sản xuất lúa – tôm theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: C.L

Chú trọng tính bền vững

Đề án OCOP tập trung vào 6 ngành hàng, riêng Cà Mau tập trung vào 3 ngành hàng thế mạnh là nông sản qua chế biến các loại nước giải khát và các dịch vụ - sản phẩm du lịch. Hiện tỉnh có 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau liên quan đến Chương trình OCOP.

Điều đáng mừng khi thực hiện chương trình là nông dân ngày càng có ý thức hơn trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản. Việc nông dân chủ động chọn hướng sản xuất nông nghiệp sạch là tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, từ các phong trào thi sản xuất, kinh doanh giỏi của người dân trong toàn tỉnh, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Việc làm này vừa góp phần quảng bá hình ảnh đặc sản đặc trưng của vùng đất Cà Mau, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Trần Thức - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có.

Để khắc phục hạn chế, Cà Mau định hướng tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như trích ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, vào khâu sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cho 4 ngành hàng chủ lực là tôm, cua, lúa và gỗ, gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem