Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 trình đại biểu Quốc hội khóa XV, cho thấy nợ công ước tính đến cuối năm 2021 vào khoảng 3.708 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% GDP. Trong đó, nợ chính phủ khoảng 3.351 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% GDP.
Như vậy, mỗi người dân Việt Nam năm 2021 sẽ gánh khoảng 37,7 triệu đồng nợ công, trong khi đó trong năm này hàng nghìn lao động thất nghiệp, mất việc làm và các chi phí sinh hoạt vẫn đè nặng trên vai.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 24,8%. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3.297 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% GDP. Trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) khoảng 5,8%.
Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức.
Trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ có tác động đến bội chi NSNN và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021 – báo cáo cho hay.
Theo kịch bản về dư nợ công năm 2022 theo báo cáo của Chính phủ tới Đại biểu Quốc hội, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 21-22%.
Cụ thể, dư nợ công đến cuối năm 2022 sẽ vào khoảng 4.073 triệu tỷ đồng, bình quân hơn 40 triệu/đầu người, tăng gần 3 triệu đồng so với năm 2021. Trong đó, nợ Chính phủ là 3.736 nghìn tỷ; Nợ được Chính phủ bảo lãnh 297 nghìn tỷ.
Rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng
Đánh giá về công tác quản lý nợ công, báo cáo nêu rõ, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý, huy động và trả nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2021 bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Kết quả, các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn; thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn đảm bảo nghĩa vụ đã cam kết với các chủ nợ, công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia có nhiều cải thiện.
Đồng thời,cơ cấu nợ Chính phủ tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, tiếp tục chậm, xuất phát từ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng từ việc giãn cách các địa phương, vùng động lực của nền kinh tế (19 tỉnh, thành phố phía Nam, Hà Nội, Đà Nẵng... và các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch).
Hai là, cơ chế huy động vốn thông qua đàm phán ký kết các hiệp định vay nước ngoài hiện nay có sự bất cập, nhất là sự hài hòa hóa giữa quy định pháp luật trong nước và chính sách của nhà tài trợ.
Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới, việc đàm phán gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ ký kết hiệp định mới.
Bên cạnh đó, cơ chế huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay còn bất cập.
Ngoài ra, sự cứng nhắc trong quan điểm áp dụng pháp luật khi đàm phán các thỏa thuận vay song phương là một trở ngại lớn và khó đạt được sự thỏa thuận của các nhà tài trợ.
Ba là, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN được Chính phủ điều hành, đảm bảo trong phạm vi mức trần Quốc hội phê duyệt, tuy nhiên trước áp lực huy động vốn tăng nhanh, rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng.
Trường hợp nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ vượt quá khả năng hấp thu vốn của thị trường trong nước, để đảm bảo đủ nguồn huy động của Chính phủ có thể cần phải huy động thêm các nguồn vay trong nước có kỳ hạn ngắn hơn so với giai đoạn 2016-2020, bao gồm tăng vay từ nguồn ngân quỹ Nhà nước hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn 2-3 năm, theo đó các chỉ tiêu về nghĩa vụ trả nợ có khả năng tăng cao (do các khoản vay này sẽ đáo hạn ngay trong giai đoạn 2022-2025).
Việc huy động vốn vay với kỳ hạn ngắn cần được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh rủi ro đảo nợ liên tục và đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 9-11 năm cũng như chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% so với tổng thu NSNN được Quốc hội phê duyệt.
Chi phí vay trong nước hiện tại đang ở mức phù hợp, tuy nhiên do tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng gia tăng lạm phát do tiềm ẩn nhiều rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất có khả năng làm tăng mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, dẫn đến tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ.
Đối với nợ nước ngoài, tiềm ẩn rủi ro chi phí vay kém thuận lợi trong bối cảnh khả năng tiếp cận các nguồn vốn ODA giai đoạn tới sẽ giảm và có thể phải sử dụng các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận/theo thị trường.
Ngoài ra, việc đàm phán, ký kết và giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài với tỷ lệ thấp như trong thời gian vừa qua do tác động từ đại dịch Covid-19, các vướng mắc về cơ chế chính sách, chất lượng chuẩn bị các dự án đầu tư công và khác biệt giữa thủ tục trong nước và nước ngoài sẽ đặt gánh nặng lên nguồn huy động chủ yếu là vay trong nước.