Nợ công Việt Nam thay đổi ra sao sau thương vụ tỷ USD của Vietcombank?

Hoàng Nhật Thứ hai, ngày 21/10/2019 07:30 AM (GMT+7)
Hơn 4 năm tính từ khoản giao dịch mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ của Vietcombank, Chính phủ đã huy động khoảng 200.000 - 280.000 tỷ đồng TPCP/năm để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc của ngân sách Nhà nước theo dự toán được Quốc hội giao hàng năm.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. 

Chính phủ trả nợ nước ngoài hơn 41.000 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm

Thời điểm tháng 4/2015 ghi nhận lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một ngân hàng với khối lượng lớn. Kết quả, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất giao dịch mua 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm từ Bộ Tài chính với lãi suất xoay quanh mức 4,8%/năm, tương đương lãi suất trái phiếu quốc tế của Chính phủ mới bán ra cuối năm 2014.

Giao dịch trên của Vietcombank đã mở đầu cho hướng huy động ngoại tệ ngay trong nước, qua các định chế tài chính nội địa với chi phí và lãi suất thấp hơn so với các đợt Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế.

Khi đó, đã có những ý kiến cho rằng việc tận dụng nguồn ngoại tệ sẵn trong nước tốt hơn đi vay bên ngoài. Ngoài ra, sẽ tránh được cú sốc tỷ giá so với việc Chính phủ đi vay từ nước ngoài vì việc tạo dòng tiền qua biên giới sẽ khiến tiền đồng lên giá.

img

Khoản giao dịch trái phiếu Chính phủ trị giá 1 tỷ USD của Vietcombank đã mở đầu cho hướng huy động ngoại tệ ngay trong nước.

Hơn 4 năm tính từ khoản giao dịch mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ của Vietcombank, Chính phủ đã huy động khoảng 200.000 - 280.000 tỷ đồng TPCP/năm để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc của NSNN theo dự toán được Quốc hội giao hàng năm.

Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân duy trì ở mức cao, từ năm 2017 đến nay đạt khoảng 12-13 năm, trong đó 90% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên để tái cơ cấu danh mục nợ, góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP lên mức 7,33 năm tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2019 (tăng 0,63 năm so với thời điểm cuối năm 2017; tăng 2,89 năm so với thời điểm cuối năm 2015), mức cao nhất từ trước đến nay.

Tỷ lệ vay bằng đồng Việt Nam vì vậy cũng đã tăng từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019.

Theo báo cáo mới đây về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng gửi tới các ĐBQH tham dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV cho thấy, sau 9 tháng của năm 2019, Chính phủ đã tập trung huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) với kỳ hạn dài để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của NSNN và tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, đồng thời gắn khối lượng phát hành TPCP với việc trả nợ gốc đến hạn và tiến độ giải ngân.

Để đảm bảo an, bền vững danh mục nợ trong nước của Chính phủ, phụ thuộc vào tình hình thị trường, Chính phủ sẽ tổ chức hoán đổi TPCP vào năm 2019 và năm 2020 theo hướng kéo dài kỳ hạn, giãn nghĩa vụ trả nợ để giảm rủi ro thanh khoản cho NSNN.

Việc phát hành TPCP trong nước năm 2020 dự kiến khoảng 300.000 tỷ đồng, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 6-8 năm.

Tính đến cuối tháng 9/2019, khối lượng phát hành TPCP đạt 160.991,5 tỷ đồng, đạt 52,5% kế hoạch cả năm. Trong đó, 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, 92,9% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên, kỳ hạn phát hành bình quân 9 tháng duy trì ở mức cao, đạt 13,51 năm. Kỳ hạn bình quân danh mục TPCP đến ngày 30/9/2019 là 7,3 năm. Lãi suất phát hành trong 9 tháng đầu năm tiếp tục giảm so với thời điểm cuối năm 2018, theo đó lãi suất phát hành TPCP các kỳ hạn 5-30 năm hiện nay giảm từ 0,2%-1,1%/năm so với cuối năm 2018, lãi suất phát hành bình quân là 4,85%/năm, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Tỷ lệ huy động vốn 9 tháng đầu năm 2019 đạt thấp do thu ngân sách những tháng đầu năm tương đối tốt, tồn ngân quỹ kho bạc cao, vì vậy Chính phủ đã rà soát tình hình thu, chi, trả nợ gốc ngân sách trung ương để điều chỉnh khối lượng phát hành TPCP cho phù hợp, đồng thời sử dụng một phần ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay để giảm phát hành TPCP, giảm chi phí vay nợ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 237.470 tỷ đồng (bằng 71,3% kế hoạch năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 196.281 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.189 tỷ đồng.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ có thể thấp hơn so với kế hoạch, chủ yếu do kết quả vận động lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vốn IDA vay WB đến 1/7/2020.

Nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ chiếm 45,8% GDP vào cuối năm 2019

Về vấn đề nợ nước ngoài của quốc gia, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đây là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp (DN), tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả. Trong năm 2019, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến giảm xuống còn khoảng 45,8% (so với mức 46,0% của năm 2018).

Nguyên nhân chủ yếu nhờ điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan (thu cân đối ngân sách ước vượt dự toán, dự kiến bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán là 3,6% GDP) qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ; giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến, theo đó nợ nước ngoài của Chính phủ đến 31/12/2019 khoảng 18,5% GDP (giảm từ mức 19,3% GDP vào cuối năm 2018).

Đối với nợ nước ngoài được CPBL, không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho DN vay nước ngoài trong năm, một số khoản vay thực hiện trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ CPBL nước ngoài (dư nợ đến 31/12/2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cuối năm 2018).

Về nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN và tổ chức tín dụng (TCTD): Trên cơ sở tổng hợp thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), đến hết tháng 8 năm 2019, NHNNVN đã xác nhận đăng ký 1.380 khoản vay nước ngoài và xác nhận hạn mức 05 khoản phát hành trái phiếu quốc tế với tổng kim ngạch vay khoảng 8 tỷ USD và tổng khối lượng phát hành dự kiến là 1,65 tỷ USD.

NHNN Việt Nam dự kiến mức rút vốn ròng, vay trả nợ nước ngoài trung và dài hạn của doanh nghiệp không được CPBL năm 2019 khoảng 5,5-6 tỷ USD, nằm trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tối đa là 6,08 tỷ USD. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến trong hạn mức được Thủ tướng Chính phủ cho phép (10-12%/năm). Theo đó, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN và TCTD đến cuối năm 2019 khoảng 23,6% GDP (so với mức 22,3% GDP vào cuối năm 2018).

Như vậy, trường hợp vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả thực hiện trong phạm vi hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho năm 2019, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2019 so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem