Trong lá đơn gửi cho Ban giám hiệu Trường tiểu học An Lợi, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên dạy tiếng Anh đề nghị được nghỉ việc từ ngày 1/11 với lý do: "Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, nhất là vấn nạn dối trá".
Lá đơn xin nghỉ việc - có phần bút phê và ký tên, đóng dấu của ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi chấp thuận nguyện vọng của thầy Sơn – đã gây xôn xao dư luận bởi sau đó, Trưởng Phòng GDĐT huyện Long Thành yêu cầu nhà trường cho rút lại lá đơn. Hơn nữa, những câu từ trong lá đơn cũng được dư luận cho là không phù hợp.
Trong cuộc họp với các bên liên quan vào ngày 13/10 vừa qua, thầy Sơn khẳng định, lý do nêu trong đơn là "chính đáng, trung thực, đúng thực tế". Phòng GDĐT huyện Long Thành xác định, thủ tục giải quyết đơn xin thôi việc của thầy Sơn là sai quy trình, và ông Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường cũng nhận sai sót này trong cuộc họp. Phòng GDĐT huyện Long Thành đề nghị thầy Sơn tiếp tục ở lại giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, thầy Sơn cho biết chỉ rút đơn và ở lại trường dạy học nếu các cấp có thẩm quyền giải quyết sai phạm của hiệu trưởng, hiệu phó.
Học sinh lớp 5 tử vong thương tâm khi học online
Vụ việc xảy ra vào khoảng 15h chiều 14/10. Lúc đó, em Nguyễn Văn Q. (SN 2011) học sinh lớp 5C, Trường tiểu học Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An) học trực tuyến ca từ 15h đến 17h, nghi vấn đầu tiên là do nổ điện thoại.
Đây là vụ việc thứ 2 học sinh tử vong thương tâm tại nhà trong khi các em chuẩn bị đến giờ học online, trước đó, nạn nhân là một học sinh tiểu học ở Hà Nội.
Sở GDĐT Nghệ An cho biết, hiện tại nguyên nhân chính xác của vụ việc đang chờ cơ quan công an làm rõ.
Tuy nhiên, đây cũng là bài học cảnh tỉnh các bậc phụ huynh khi con học online. Chuyên gia cho rằng, sau các vụ trẻ tử vong liên quan đến các thiết bị điện, phụ huynh nên xem lại khu vực học tập, hệ thống điện, ổ cắm cho đến các đường dây diện, không để các vật dễ cháy nổ xung quanh. Cần lưu ý chỗ ngồi của trẻ, không để lọt vào "tầm ngắm" của các em những hình ảnh không phù hợp.
Theo công bố của Tổ chức Times Higher Education ngày 14/10, Việt Nam có đại diện ở 2 trong số 4 lĩnh vực nằm trong bảng xếp hạng các trường ĐH theo ngành, nhóm ngành đào tạo.
Lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế, Việt Nam có hai đại diện là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (top 201 - 250), ĐH quốc gia TPHCM (601+).
Lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (251 - 300), ĐH Quốc gia Hà Nội (501 - 600) và ĐH Quốc gia TPHCM (601+). Đây là lần đầu tiên ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp hạng 501 – 600 thế giới ở lĩnh vực này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Trong đó yêu cầu, tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10/2021.
Chính phủ yêu cầu Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.
Một số phụ huynh lớp 9A1, Trường THCS Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, ngoài lịch học chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, con em họ còn bị giáo viên "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật.
Việc học thêm theo hình thức học trực tuyến này diễn ra với các môn: Toán, Văn, Hóa học và Tiếng Anh.
Không những thế, nếu em nào học thêm ở chỗ khác sẽ bị cô N.T.T - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1 bắt ngừng ngay việc học hoặc nói những điều không hay về giáo viên dạy ở các lớp đó.
Trao đổi với báo chí, thầy Trần Văn Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Nỗ xác nhận có sự việc trên diễn ra với một nhóm giáo viên và học sinh lớp 9A1 của trường.
Trước phản ánh của phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các giáo viên liên quan phải dừng ngay việc dạy thêm online, viết kiểm điểm và xử lý viên chức theo quy định.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa có thông báo về việc tổ chức giảng dạy và học tập trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, đối với các học phần lý thuyết, nhà trường tiếp tục dạy và học bằng hình thức trực tuyến.
Đối với các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức dạy học, hướng dẫn nghiên cứu, thực hành trực tiếp tại các phòng thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập đối với sinh viên có nhu cầu và đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch. Thời gian bắt đầu học từ 1/11.
Giảng viên, người học đến trường, tham gia dạy học trực tiếp phải đảm bảo tiêm đủ liều vaccine theo hướng dẫn của ngành Y tế và có điều kiện di chuyển đến trường.
Khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng, một số trường đại học cũng đã lên phương án cho sinh viên quay trở lại.
Đại diện ĐH Ngoại thương cho biết, hiện nhà trường đã có kế hoạch đón sinh viên quay lại học trực tiếp, tuy nhiên các phương án cụ thể sẽ được họp bàn thống nhất và thông báo đến sinh viên sớm nhất.
Còn theo PGS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay cơ bản được kiểm soát, nhà trường đã lên phương án sẵn sàng đón sinh viên quay trở lại trường học tập trung.