Theo đó, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cùng ký văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh, về kế hoạch phục hồi sản xuất theo từng giai đoạn trong tình hình mới. Đa số các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, có lượng công nhân khá đông, có đơn vị hơn 17.000 lao động.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phải ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân nói chung đã và đang đối mặt với những khó khăn thách thức chưa từng có.
Hiện, tỉnh Tiền Giang đã hạ mức độ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã có kết quả tích cực và đời sống xã hội dần bước vào giai đoạn bình thường mới.
Theo các doanh nghiệp cho biết: Hiện nay, tại một số tỉnh thành phía Nam đã bắt đầu kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới, song song với việc thực hiện tiêm vắc-xin toàn dân, điển hình như: Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp…
Ông Chiu Fu Yung - đại diện Công ty Giày Global Running (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc), đơn vị có 1.400 lao động, cho biết: Hiện tỉnh Tiền Giang đã phân bổ tổng cộng 468.000 liều vắc-xin Covid-19, cao thứ 9 trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa có kế hoạch và thời gian cụ thể, hợp lý đối với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới.
Ông Park Hong Mo - đại diện Công ty TNHH MTV Kap Vina (100% vốn Hàn Quốc) cho rằng: Hiện nay, tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục lấy chủ trương, lấy phương án sản xuất "3 tại chỗ" làm trọng tâm. Điều đã được minh chứng là không phù hợp với tình trạng chung của đa số doanh nghiệp phía Nam trong thời gian qua. Đặc biệt là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Nếu tình hình này kéo dài sẽ gây ra hậu quả nặng nề về đời sống kinh tế cho người dân cũng như sự sống còn của doanh nghiệp.
Phía các doanh nghiệp cũng đưa ra những phương án để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch Covid-19 như: Xét nghiệm định kỳ (test nhanh 3 ngày/lần, PRC 7 ngày/lần); tuân thủ 5k tại doanh nghiệp; tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các khu vực có nguy cơ cao (cổng ra vào, khu vực sản xuất, căng-tin, chỗ gửi xe…)…
Các doanh nghiệp cũng cho biết sẽ bố trí khu vực/phòng cách ly tạm thời cho những trường hợp nghi nhiễm f0, f1 và người có liên quan tại doanh nghiệp trong thời gian chờ cơ quan chức năng xử lý.
Đại diện các doanh nghiệp đề nghị: Khi phát hiện ca nhiễm, doanh nghiệp chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (tức nơi có f0, f1) chứ không phải toàn bộ nhà máy.