Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm.
Các tấm gương thanh niên này đã tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Điển hình trong phong trào này có Đoàn viên Đào Xuân Nam, sinh năm 1989 ở tổ dân phố Sơn Long, thị trấn Hợp Châu đã xây dựng cho mình mô hình kinh tế độc, lạ, mới-mô hình nuôi cầy vòi mốc.
Mô hình nuôi cầy vòi mốc đã khẳng định được bước đi táo bạo, dám nghĩ, dám làm của chàng thanh niên 32 tuổi. Mô hình của anh đã đem lại hiệu quả về kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương có truyền thống làm nông nghiệp, khi còn nhỏ, cuộc sống của anh Nam không được trọn vẹn như các bạn cùng trang lứa.
Bố anh Nam mất sớm, vì gia đình nghèo, anh không được học hành đến nơi đến chốn như các bạn cùng trang lứa, anh phải nghỉ học sớm và ở với chú để phụ giúp gia đình.
Năm 2006 anh về Hà Nội đi làm thuê, do không có bằng cấp nên anh không thể xin được việc vào các công ty, nhà máy hay xí nghiệp.
Anh xin đi phụ bếp tại một nhà hàng ở Hà Nội. Trải qua nhiều năm làm thuê xa nhà, anh thiết nghĩ cần có một công việc, một nghề để phục vụ cuộc sống mưu sinh sau này, anh đã chịu khó học hỏi cách thức nấu ăn, chế biến thức ăn của nhà hàng.
Sau vài năm bươn trải xa quê, anh Nam đã có kinh nghiệm, có nghề trong tay. Năm 2009 anh Nam về quê xin việc làm bằng nghề đầu bếp của mình.
Với ý chí quyết tâm cộng với ước mơ vươn lên làm giàu, anh Nam đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng với sự táo bạo, quyết đoán, tinh thần chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, sau hơn 10 năm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, đến nay anh đã tạo dựng được mô hình kinh tế trang trại độc, lạ.
Đó chính là trang trại nuôi cầy vòi mốc lớn nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Từ mô hình này, anh đã mua được xe, xây được nhà cửa khang trang phục vụ cho gia đình, việc làm của mình.
Anh Nam chia sẻ: “ Trước khi bén duyên với loài động vật hoang ra này, tôi làm đầu bếp cho các nhà hàng, khách sạn chuyên về thịt động vật hoang dã (được phép nuôi) ở Tam Đảo".
Anh được tiếp cận với các loại con đặc sản nuôi như cầy, nhím, rúi, lợn rừng nhưng số lượng có hạn nên cung không đủ cầu. Từ đó anh đã nảy sinh ý tưởng nuôi loài động vật hoang dã độc, lạ này để đáp ứng nguồn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nghĩ là làm năm 2012, anh Nam được bạn giới thiệu mô hình gây nuôi cầy vòi mốc, thấy thích hợp anh mạnh dạn dùng số tiền tích cóp được đóng lồng, mua 7 cặp cầy vòi mốc về nuôi thử và thuần hóa loài động vật hoang dã này.
Nhờ mát tay đến nay trong trại của anh lên đến gần 200 cá thể cầy vòi mốc bố mẹ và khoảng 150 cá thể con.
Ngoài ra anh còn nuôi thêm nhím, anh nuôi chủ yếu là bán thịt thương phẩm, duy trì sinh sản phục vụ con giống.
Ngày đầu nuôi anh cũng gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật nuôi do không có thời gian để tìm hiểu, anh vừa phải đi làm cho các nhà hàng, anh vừa chăn nuôi vì thế đã rất vất vả.
Cho đến khi anh nhận lại hiệu quả từ mô hình này, anh đã từ bỏ công việc làm nhà hàng về nhà vay mượn vốn đóng lồng, mở rộng quy mô nuôi cầy vòi mốc.
Anh Đào Xuân Nam cho biết: “Vì cầy vòi mốc là loài thuộc nhóm II B động vật hoang dã quý hiếm nên trong quá trình gây nuôi loài động vật này tôi luôn chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước. Tôi đăng ký thủ tục cấp giấy phép kinh doanh nuôi nhốt cá thể động vật hoang dã do Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép; khai báo đầy đủ các thông tin với hạt Kiêm Lâm địa phương khi mua, bán có nguồn gốc rõ ràng, có xác nhận của Kiểm Lâm nơi quản lý...".
Trong quá trình nuôi cầy vòi mốc anh Nam còn phải có sổ ghi chép về số lượng cá thể tăng, giảm báo cáo với Hạt Kiểm lâm đến xác nhận vào bảng kê khai lâm sản vì vậy khi xuất bán ra thị trường khách hàng rất yên tâm...
Dẫn cúng tôi thăm quan mô hình chuồng nuôi cầy, chúng tôi cảm nhận khu nuôi nhốt cầy vòi của anh Nam rất thoáng mát, sạch sẽ, không có mùi hôi.
Số lượng nuôi 2 con trong một lồng sắt. Máng thức ăn, máng thức uống cho cầy vòi được anh Nam thiết kế tự động.
Thấy những chú cầy nằm im, lim dim ngủ chúng tôi rất ngạc nhiên và hỏi thì được anh Nam cho biết: “Cầy vòi mốc là loại ăn về đêm, ngày thì ngủ, dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn chính chủ yếu là các loại quả có vị ngọt như chuối, mít, dứa...Cầy vòi mốc ăn cả cháo gạo nên rất thuận lợi cho người nuôi. Thức ăn cho cầy vòi mốc luôn có sẵn trong tự nhiên không phải mất công sức nhiều, giá thành bán ra lại cao”
Qua lời chia sẻ của anh Nam chúng tôi được biết thêm, Cầy vòi mốc là loài động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao.
Cầy mẹ sau khi sinh sản thời gian từ 4 đến 5 tháng là có thể cho cầy vòi con tách mẹ sống độc lập. Cầy trưởng thành chỉ mất thời gian nuôi từ khi sinh đến xuất bán là từ 7 đến 8 tháng và đạt cân nặng từ 8-9 kg/cá thể.
Giá cầy vòi mốc đang bán hơn 2 triệu đồng/kg. Thịt cầy vòi rất ngon, ít mỡ, được xem là ngon nhất trong họ cầy.
Hiện nay, trại nuôi cầy vòi mốc của anh Nam đã được rất nhiều khách hàng các tỉnh, thành khu vực phía Bắc biết đến thông qua mạng xã hội.
Cũng có rất nhiều khách hàng từ các tỉnh thành như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ngãi, Yên Bái đã tìm đến trang trại của anh Nam để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cầy vòi và đặt hàng.
Không những làm kinh tế giỏi, anh còn là một đoàn viên năng động, nhiệt huyết trong phong trào Đoàn, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như đóng góp mọi phong trào của địa phương. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ giúp đỡ các bạn trẻ trong phát triển kinh tế.
Anh Trần Hữu Hiệu – Phó Bí thư phụ trách Đoàn thanh niên thị trấn Hợp Châu cho biết: “ Tấm gương chăm chỉ, chịu khó làm ăn với khát vọng làm giàu chính đáng của anh Đào Xuân Nam đáng để nhiều thanh niên khác noi theo.
Để giúp các đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, BCH Đoàn thị trấn Hợp Châu đã giúp các đoàn viên được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế và nhân rộng các mô hình hay đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình ”.
Có thể thấy với anh Nam từ hai bàn tay trắng, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đến nay anh Đào Xuân Nam đã trở thành ông chủ của một trang trại ăn nên làm ra. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp để các bạn trẻ noi theo. Mô hình nuôi cầy vòi mốc của anh không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn là giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và cứu nguy các nguồn gen quý của 1 trong những loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng.