Với quy mô hơn 4ha trồng cây ăn quả, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng/năm, anh Lê Đình Tiếp (ở tổ dân phố 13, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) là điển hình nông dân giỏi ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Tiếp chia sẻ: Hiện, trang trại của anh có 1,5ha trồng 10.000 cây cam Canh, 2ha trồng 800 gốc ổi lê Đài Loan. Ngoài ra, anh còn trồng thêm táo, mít Thái…
Để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, anh Tiếp luôn đặt yếu tố sạch và an toàn trong sản xuất lên hàng đầu. Anh Tiếp cho biết, anh thường sử dụng các loại phân bón lân, NPK Lâm Thao để chăm bón cây ăn quả bởi dùng loại phân bón này, vừa làm đất tơi xốp mà còn hạn chế được sâu bệnh cho cây ăn quả.
"Tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức, tôi biết thêm kỹ thuật bón phân "4 đúng" cho năng suất và hiệu quả cao".
Nông dân Lê Ngọc Hoàng
Chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi lê Đài Loan cho quả giòn, ngọt; anh Tiếp cho biết: Ở miền Bắc thời gian trồng ổi tốt nhất là lúc thời tiết mát mẻ, trồng vào vụ xuân (tháng 2 - 4), ngoài ra là vụ thu (tháng 8 - 10) với khoảng cách 4x4m hoặc 5x5m. Đào hố trồng: Kích thước hố trồng dài x rộng x sâu: 50x50x50cm. Mỗi hố (mỗi cây) trồng nên bón lót khoảng 25kg phân chuồng + 1,5 - 2kg phân bón lót NPK Lâm Thao 5.10.3-8. Toàn bộ công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót phải được tiến hành trước khi trồng ít nhất 1 tháng.
Khi cây ổi ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, anh Tiếp sử dụng phân hỗn hợp NPK Lâm Thao 12.5.10-14 bón 4 lần/năm cho cây với tổng liều lượng như sau: Năm thứ nhất bón 0,5kg; năm thứ hai 0,75kg; năm thứ ba 1kg.
Thời kỳ cây ổi cho kinh doanh, anh Tiếp chia làm 4 giai đoạn để bón phân: Bón hồi cây sau thu hoạch, bón lót trước khi cây ra hoa, bón hỗn hợp cho cây sau đậu quả và quả đang lớn. Về liều lượng phân bón cụ thể, anh Tiếp cho biết: Sau thu hoạch, anh thường dùng phân NPK 12.5.10-14 để bón hồi cây với liều lượng từ 2 - 2,5kg phân/cây. Trước khi cây ổi ra hoa, anh bón tiếp 1 - 1,5kg phân NPK 5.10.3-8. Giai đoạn cây nuôi quả anh Tiếp bón thêm 2 lần phân NPK Lâm Thao 10.5.12-5 sau khi cây đậu quả 1 tuần và nuôi quả đang lớn.
Rời nhà anh Tiếp, chúng tôi đến thăm trang trại cây ăn quả của anh Lê Ngọc Hoàng (ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên). Không giấu được niềm tự hào về mô hình của mình, anh Hoàng cho biết: Năm 2006, giữa lúc chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất theo hướng đi mới, anh đã mạnh dạn bàn với gia đình thầu diện tích quỹ đất công của xã trồng lúa kém hiệu quả để cải tạo đất, trồng cây ăn quả.
Hiện với diện tích 7 mẫu đất (hơn 2ha), anh Hoàng đang trồng khoảng 500 gốc bưởi Diễn, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và đào ao thả cá. Đáng chú ý, để chuyên nghiệp việc trồng cây ăn quả, anh đưa máy cuốc vào làm đất để đảm bảo đất có đủ độ tươi xốp, ngầm hóa ống dẫn nước và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho trang trại theo quy mô mỗi khoảnh một cây tưới.
Ngay cả việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn, anh Hoàng cũng là nông dân đầu tiên trong xã mạnh tay đầu tư gần 500 triệu đồng để mua một chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc.
Anh Hoàng bộc bạch: "Tôi nghĩ, giờ nông dân phải chuyên nghiệp lên, làm gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật, có như thế mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Đơn giản như việc bón phân cho vườn cây ăn quả, lúc đầu tôi còn băn khoăn chưa biết bón loại phân gì cho tốt, rồi thời điểm, liều lượng bón phân ra sao... Tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức, tôi biết thêm kỹ thuật bón phân "4 đúng" cho năng suất và hiệu quả cao".
Bình quân mỗi năm, anh Lê Ngọc Hoàng mua 3-4 tấn phân bón Lâm Thao về bón cho hơn 2ha diện tích cây ăn quả. Nhờ bón phân Lâm Thao "4 đúng" nên năm nào vườn cây ăn quả nhà anh Hoàng cũng bội thu, sai trĩu.
Vị chủ trang trại này cho biết, bình quân mỗi năm anh xuất bán hơn 40 tấn quả ổi, bưởi, nhãn. Doanh thu từ trang trại đạt khoảng 650 - 700 triệu đồng, trừ chi phí các khoản, gia đình anh thu lãi trung bình 300 - 350 triệu đồng.