Nông dân đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa trồng cam đạt chuẩn toàn cầu- GlobalGAP, bỏ tiền tỷ thu tiền tỷ

Hoài Thu - Lương Hà Thứ ba, ngày 19/10/2021 13:02 PM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chung, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) là nông dân đầu tiên của xứ Thanh trồng cam đạt tiêu chuẩn toàn cầu GlobalGAP.
Bình luận 0

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Tới thăm nông trại của gia đình ông Nguyễn Văn Chung (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vườn cây có múi (chủ yếu là cam, bưởi) có quy mô rộng lớn.

Trang  trại trồng cam, bưởi của gia đình ông Chung được chia ô đều tăm tắp, trồng nhiều loài cây khác nhau như cam canh, cam lòng vàng, bưởi da xanh…Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả.

Thanh Hóa: Nông dân tiên phong trồng cam đạt chuẩn quốc tế Global GAP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Chung (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đã ứng dựng công nghệ cao vào nông trại trồng cam, bưởi đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu-Global GAP. Ảnh Lương Hà

Ông Chung cho biết, vùng đất này trước kia vốn trồng mía nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong những lần đi tham quan các vườn cây ăn quả ở một số địa phương khác, ông nhận thấy đất đồi quê mình rất phù hợp.

Ông Chung nghĩ, nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật để chăm sóc thì đây sẽ là hướng đi mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Do đó, khi huyện Thạch Thành có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2016 ông đã thuê 50 ha đất lâu năm đề làm nông trại trồng cam lòng vàng, bưởi da xanh và các loại cây ăn quả khác.

Bước vào xây dựng nông trại, ông Chung thuê kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, quy hoạch và chuyển giao khoa học công nghệ. Toàn bộ diện tích nông trại đều được thiết kế áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đối với cây cam và tưới xoay đối với cây bưởi theo công nghệ tưới của Israel.

Thanh Hóa: Nông dân tiên phong trồng cam đạt chuẩn quốc tế Global GAP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Nông trại của ông Nguyễn Văn Chung đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học và chỉ dùng phân bón có nguồn gốc hữu cơ vi sinh. Ảnh Hoài Thu

Theo ông Chung, quá trình canh tác, chăm bón, thu hoạch, bảo quản cam, bưởi tại nông trại đều hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Nông trại đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học và chỉ dùng phân bón có nguồn gốc hữu cơ vi sinh.

Nguồn phân hữu cơ bón cho cây cam, cây bưởi được nông trại lấy phân giun quế được nuôi trong khu nhà xưởng rộng 5.000m2. 

"Từ việc nuôi giun quế lấy phân, mỗi năm tôi tiết kiệm được 50% chi phí mua phân bón cho các loại cây trồng. Có thể nói, không có nguồn phân hữu cơ nào tốt hơn phân giun quế và khi bón định kỳ bằng dịch giun quế cho cây trồng, sản phẩm thu được cũng ngon, ngọt, chất lượng hơn", ông Chung nói.

Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ thì chất lượng lao động cũng được ông chú trọng. Các lao động làm việc tại nông trại đều được trang bị kiến thức và có phương pháp làm việc chuyên nghiệp.

Thanh Hóa: Nông dân tiên phong trồng cam đạt chuẩn quốc tế Global GAP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Cây cam, cây bưởi được ông Nguyễn Văn Chung bón bằng phân giun quế nuôi tại nhà xưởng rộng 5.000m2 trong khuôn viên trang trại. Ảnh Lương Hà

Công nhân khi làm cỏ trong vườn cam, vườn bưởi không được dùng thuốc diệt cỏ mà cắt bằng máy, sau đó vun vào gốc cây tạo thành nguồn phân hữu cơ, vừa giữ ẩm cho cây trồng vừa bảo vệ môi trường. 

Đặc biệt, nếu tỉa cành, mỗi công nhân đều mang theo một lọ cồn, khi di chuyển từ cây này sang cây khác sẽ dùng cồn để tiệt trùng dụng cụ.

Quả cam đạt chuẩn GlobalGAP

Sau 3 năm canh tác, nông trại của ông Nguyễn Văn Chung đã cho thu hoạch với sản lượng ước tính 300 tấn cam, đem lại những kết quả khả quan ban đầu. Ông Chung mạnh dạn mở rộng diện tích theo từng năm, đến thời điểm hiện tại là 75 ha với tổng đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Nông dân tiên phong trồng cam đạt chuẩn quốc tế Global GAP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Nông trại của ông Nguyễn Văn Chung cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP trên cây cam. Ảnh Hoài Thu

Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, năm 2019 nông trại Chung Thủy đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu" - GlobalGAP. 

Đây là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất hiện nay trên thế giới mà các nhà nhập khẩu đưa ra để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nông trại Chung Thủy cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP trên cây cam. Tiêu chuẩn này đã giúp sản phẩm cam của ông dễ dàng xuất khẩu ra nước ngoài và cả những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Theo ông Chung, để đạt được tiêu chuâmr GlobalGAP đòi hỏi quá trình sản xuất phải chuyên nghiệp và bài bản, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăm sóc và nhất là cách ly an toàn. Vì khi đã đăng ký tiêu chẩn GlobalGAP mà sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định quốc tế, ngoài việc trang trại sẽ bị phạt nặng còn ảnh hưởng rất lớn tới uy tín ngành nông nghiệp nước nhà.

Thanh Hóa: Nông dân tiên phong trồng cam đạt chuẩn quốc tế Global GAP, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Năm 2019 nông trại Chung Thủy đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn "Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu" - GlobalGAP trên cây cam. Ảnh Lương Hà

Ông Chung cũng cho biết thêm, để nâng cao năng suất, chất lượng quả cam, ngoài các yêu cầu về kỹ thuật của GlobalGAP như trồng chuyên canh, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ở nông trại của ông, công nhân còn ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng và xây dựng nhà kho, bồn rửa để bảo quản cam sau thu hoạch.

Hiện 36 ha cam 4 - 5 năm tuổi trồng ở nông trại của ông Chung dự kiến cho thu hoạch trung bình 700 tấn trong năm 2021. Cùng với các loại cây khác như bơ, bưởi… nguồn thu ước tính trên 2 tỷ đồng. Nông trại cũng đang tạo việc làm ổn định cho 45 - 50 lao động với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, việc ứng dụng các tiêu chuẩn khắt khe như GlobalGAP vào sản xuất không hề đơn giản, bởi ngoài việc thay đổi tư duy thì còn phải kiên trì và tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật. 

Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn và lâu dài như: tăng năng suất, sản lượng; tăng giá bán; được các thị trường tiềm năng chấp nhận…ngày càng nhiều nông dân lựa chọn Global GAP như là tấm giấy thông hành quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem