Hải Dương: Anh nông dân trồng dưa gì mà phải cho cây "uống" sữa bột, chưa kịp bán đã "cháy hàng"?

Thi Ngọc Thứ ba, ngày 19/10/2021 19:02 PM (GMT+7)
"Đất là mẹ, cây là con” là quan điểm trồng trọt của anh Vũ Văn Phong, thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Anh là chủ trang trại trồng dưa lưới đã đem đến cho khách hàng những trái dưa ngon, sạch và rất đẹp mắt.
Bình luận 0

Mỗi khi dưa lưới trồng trong trang trại của gia đình anh Phong đến kỳ thu hoạch là khách hàng thi nhau mua.

Cảm giác như lạc vào khu sinh thái

Theo lời đồn của nhiều người dân, tôi tìm đến trang trại dưa lưới của anh Vũ Văn Phong, thôn Triều  Dương, xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). 

Đó là một trang trại nằm khá sâu so với trục đường chính, xung quanh là cánh đồng lúa rộng mênh mông. Trang trại cũng là nơi gia đình anh Phong sinh sống, mọi sinh hoạt của gia đình anh đều gắn bó với nơi đây.  

Hải Dương: Anh nông dân trồng dưa lưới kiểu gì mà chưa kịp bán đã "cháy hàng"? - Ảnh 1.

Những luống dưa lưới xanh tốt mơn mởn của trang trại nhà anh Vũ Văn Phong, thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thi Ngọc

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng dưa, anh Phong chia sẻ, trước đây, anh từng có một xưởng cơ khí khá lớn. Do một lần bị tai nạn nghề nghiệp, trong thời gian nghỉ dưỡng, nên đã "lang thang" trên mạng, vào các đội nhóm nông nghiệp tìm hiểu. 

Càng nghiên cứu sâu, anh càng thấy yêu thích nông nghiệp và quyết định sẽ dồn tâm huyết để thực hiện ước mơ.

Anh Phong kể, mới đầu anh gặp vô vàn khó khăn. Không những không được ai ủng hộ mà anh còn bị gia đình phản đối kịch liệt, nhất là bố anh. Nhưng anh vẫn xác định hướng đi mới của mình. Mọi người càng phản đối thì anh lại càng quyết tâm.

Trước đây, khu trang trại này rất thấp, phải đổ đất, san nền mới được như hiện nay. Nhờ có sẵn nghề cơ khí, anh đã vay mượn tiền và tự thiết kế, xây dựng nhà cửa, trang trại. 

Chỉ tính riêng việc xây dựng nhà bạt và khung giàn, do tự làm, anh đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Với diện tích khoảng hơn 2000 m2, trang trại của anh Phong được bố trí rất quy củ và sạch sẽ. Dưa lưới được chia làm 2 khu vực trồng, ở giữa là dòng kênh được xây kè, che chắn rất cẩn thận. Dòng kênh này vừa để phục vụ việc tưới tiêu cho trang trại, vừa để thả cá.

Hải Dương: Anh nông dân trồng dưa lưới kiểu gì mà chưa kịp bán đã "cháy hàng"? - Ảnh 2.

Mỗi gốc dưa chỉ để đúng một quả duy nhất để đảm bảo tập trung dinh dưỡng tối đa cho quả. (Ảnh: Thi Ngọc)

Đi sâu vào khu vực nhà màng trồng dưa lưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những luống dưa xanh tốt, mơn mởn với những trái dưa căng mọng trông rất giàu sức sống. 

Đặc biệt, các luống dưa được đánh rất đều đặn và che phủ nilon để giữ chất dinh dưỡng cho đất, đồng thời ngăn chặn cỏ mọc. 

Trên mặt đất chỉ để hở phần diện tích đủ cho mỗi gốc dưa mọc lên. Mỗi gốc cây được chủ vườn để một quả duy nhất nhằm đảm bảo các quả dưa có thể hút được dinh dưỡng ở mức cao nhất.

Trao đổi với PV, anh Phong cho biết, vườn dưa nhà anh đã đón khá nhiều đoàn khách đến tham quan. Có những nhóm khách, ban đầu chỉ định định đến để chụp ảnh, nhưng tận mắt thấy quy trình chăm sóc cây, họ yên tâm mua dưa, nên mặc dù giá dưa của anh khá cao so với thị trường nhưng vẫn đắt hàng.

Cho cây dưa lưới uống...sữa?

Vào khu vực chứa đựng phân bón cây dưa lưới của anh Phong tôi hết sức ngạc nhiên. Ngoài các loại men vi sinh của các đơn vị lớn...còn có rất nhiều các hộp sữa bột các loại trong đó chủ yếu là một loại sữa nổi tiếng của Hàn Quốc dành cho trẻ em được sắp xếp rất gọn gàng, sạch sẽ. 

Bên cạnh đó là rất nhiều thùng nhựa tái sinh cỡ lớn có thể tích hàng nghìn lít đựng các loại "thức ăn" cho cây trồng như dịch trứng cá, dịch chuối, dịch trùn quế. 

Các loại thuốc sinh học thì ai cũng từng biết là để dùng cho trồng trọt và chăn nuôi, còn sữa bột không hiểu sao lại được anh Phong mua nhiều đến thế?

Hải Dương: Anh nông dân trồng dưa lưới kiểu gì mà chưa kịp bán đã "cháy hàng"? - Ảnh 3.

Rất nhiều sữa bột và các thùng chứa thức ăn cho cây trồng của trang trại nhà anh Vũ Văn Phong. (Ảnh: Thi Ngọc)

Chia sẻ với PV, anh Phong cho biết, đó là những hộp sữa sắp hết hạn sử dụng hoặc đã hết hạn không đủ tiêu chuẩn để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, những hộp sữa này vẫn rất giàu dinh dưỡng nên anh mua về ủ cùng một số loại thực phẩm khác như dịch trứng cá, dịch chuối, dịch trùn quế…để bón cây dưa lưới.

 Vừa nói, anh Phong vừa lần lượt khui các hộp sữa bột đổ vào thùng ngâm cùng dịch chuối để khi nào đủ thời gian sẽ đem hỗn hợp này bón cây.

Anh Phong đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng của môi trường đất. Anh luôn quan điểm "đất là mẹ, cây là con" nên muốn cây khỏe, phát triển tốt thì đất phải khỏe trước, cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, thuận tự nhiên hơn. 

Do đó, việc cải tạo môi trường đất hết sức quan trọng và cần thiết. Anh luôn cố gắng để phát huy hết khả năng sẵn có của môi trường đất. Nhờ đó, cây sẽ khỏe, tự chống chọi được sâu bệnh mà không phải dùng đến thuốc hóa học.

"Cuộc sống của tôi là ở đây, gia đình tôi ở đây. Nếu tôi không làm an toàn thì gia đình tôi sẽ chịu độc hại đầu tiên vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến bầu không khí và môi trường sống của chúng tôi. Từng ngày tôi đều sát sao việc trồng trọt, chăn nuôi của trang trại. Tôi không yên tâm khi nhờ bất cứ ai nên không bao giờ đi đâu được quá 2 ngày", anh Phong thật thà chia sẻ.

Dưa chưa kịp bán đã "cháy hàng"

Dưa lưới được các chuyên gia đánh giá là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao vì đòi hỏi người trồng phải nắm được kỹ thuật, có biện pháp tác động đúng thời điểm trong từng giai đoạn để cây đạt hiệu quả cao.

Ngoài việc phải làm nhà bạt đúng tiêu chuẩn, cứ mỗi vụ chuẩn bị trồng cây mới, anh Phong phải dọn dẹp tàn dư của lứa cây cũ, sau đó phơi đất ít nhất từ 10-15 ngày. Việc làm này khiến đất tơi xốp hơn, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, côn trùng có lợi phát triển. Đồng thời, cũng là để có thời gian cho việc ươm cây con mới.

Hải Dương: Anh nông dân trồng dưa lưới kiểu gì mà chưa kịp bán đã "cháy hàng"? - Ảnh 4.

Anh Vũ Văn Phong nâng niu những trái dưa do mình tạo ra. Ảnh: Thi Ngọc

Sau khi phơi đất khoảng 15 ngày, anh Phong bón các loại dưỡng chất cho đất. Các loại dưỡng chất này đều là chất sinh học và phân bón do anh tự ủ từ các sản phẩm hữu cơ nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó, anh sẽ xới đều đất rồi lên luống, trùm bạt để trồng dưa.

Lúc này cây con cũng ươm được khoảng 10 ngày tuổi, đến kỳ được đánh vào luống trồng riêng từng hốc.

Sau khi trồng cây con khoảng 25 ngày, dưa vào giai đoạn đậu quả. Lúc này, chủ trang trại phải sát sao, tỉa cành, bẻ bớt quả. Theo anh Phong mỗi cây chỉ được để lại 1 quả duy nhất, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng, tập trung nuôi quả.

Clip: Anh Vũ Văn Phong nói về hiệu quả trồng dưa lưới.

Giống dưa lưới hiện nay gia đình anh Phong đang trồng có tên gọi là Hami new. Đây là giống dưa rất thơm ngon, và được nhiều người yêu thích. 

Thời gian trồng dưa ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 70 ngày. Sản lượng đạt khoảng 2,7 tấn đến 3 tấn/1000 m2. Mỗi quả có trọng lượng trung bình từ 2kg-3kg/quả.

Thị trường tiêu thụ chính của dưa lưới nhà anh Phong hiện nay là nội tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Hiện nay, ngoài dưa lưới, trang trại nhà anh Phong còn nuôi lợn, gà và trồng cà chua bi, bí ngô chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán sắp tới. Các sản phẩm của gia đình anh được khách hàng rất yêu thích và tin dùng. Cứ đến độ thu hoạch khách hàng lại thi nhau đăng ký mua. 

"Mặc dù giá dưa nhà tôi cao hơn thị trường nhưng khách vẫn mua. Do toàn khách quen biết chất lượng dưa, biết sản phẩm an toàn, chi phí đầu vào cao nên họ sẵn sàng chấp nhận và người nọ mách người kia. Sản phẩm nhà tôi cứ đến độ thu hoạch là hết ngay", anh Phong chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem