Ngày 19/10, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề xuất lên UBND TP.HCM, kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ bên cạnh bán mang đi như hiện nay, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.
Sở đề xuất các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21h, công suất phục vụ tối đa 50% so với thông thường. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.
Các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn này phải đáp ứng các yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch của ngành y tế và theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, sau nửa tháng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn nhưng tỷ lệ hoạt động còn chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Trong khi đó, hiện độ phủ vaccine ngừa Covid-19 tại TP.HCM đã đạt tỷ lệ trên 98% người được tiêm 1 mũi và trên 75% với người đã tiêm 2 mũi. Tỷ lệ này đang tiếp tục được nâng lên, đảm bảo an toàn cho các hoạt động bình thường trở lại.
Sở Công Thương cho rằng cho phép các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách tại chỗ được xem là từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế thông qua phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ trên nguyên tắc: "An toàn đến đâu, mở cửa đến đó".
Đồng thời, dịch vụ này cũng đáp ứng nhu cầu của người dân và hỗ trợ từng bước khôi phục hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn thành phố.
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng vừa có văn bản trình UBND TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM, kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được mở cửa hoạt động bình thường.
Theo Hiệp hội, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang có chuyển biến tích cực nên kiến nghị UBND TP cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường trong giai đoạn "bình thường mới".
Nếu được chấp thuận, các cơ sở kinh doanh này sẽ chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và UBND TP.HCM.