TP.HCM đang ở cấp độ dịch thứ 2, vẫn rất đáng lo ngại

Bạch Dương Thứ ba, ngày 19/10/2021 16:05 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhận định TP đã nới lỏng các biện pháp giãn cách để dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận 0
"TP.HCM đang ở cấp độ dịch thứ 2, nhưng vẫn rất đáng lo ngại" - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến của UBND TP.HCM với các sở ngành, quận huyện chiều 19/10. Ảnh: Linh Nhi

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X, chiều 19/10, UBND TP.HCM đã họp trực tuyến với các sở ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

Nội dung cuộc họp là về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm. Chỉ ra những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tìm giải pháp khắc phục để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhận định, nhìn lại cả nước đã trải qua 4 đợt dịch, riêng TP.HCM đã có biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, cao điểm trong đợt dịch thứ 4.

Sau 18 ngày thực hiện Chỉ thị số 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch Covid-19, số ca mắc mới giảm 5 lần so với đỉnh dịch, số ca tử vong còn 2 con số. Các chốt chặn nội thành cũng được dỡ bỏ.

"Công an TP.HCM đang xem xét để không còn chốt chặt ở địa bàn giáp ranh với các địa phương để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng lao động", ông Bình cho biết.

Sau hơn 5 tháng chịu tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, TP đã nới lỏng các biện pháp giãn cách để dần chuyển sang trạng thái bình thường mới. Ông Bình nhấn mạnh thời gian tới không được lơ là, chủ quan và phải chủ động, tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả giải pháp đề ra.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhìn lại cả quá trình phòng chống dịch trong làn sóng thứ 4, ngày cao điểm nhất của TP là 28/8 với 17.403 ca mắc mới. Cùng lúc đó TP phải chăm sóc cho hơn 104.000 ca F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng.

Đến nay, ngày 19/10, sau gần 3 tuần triển khai chỉ thị 18, tình hình dịch bệnh tại TP chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, số mắc mới mỗi ngày giảm dần, đến ngày 19/10, TP chỉ còn 968 ca mắc mới, TP đang chăm sóc cho 28.000 F0.

Trước các câu hỏi về đánh giá cấp độ dịch, trưa 19/10, Sở Y tế đã tính toán cấp độ dịch của TP.HCM căn cứ trên Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Cụ thể, về tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người trong 2 tuần liên tiếp, Sở tính toán hiện tỷ lệ của TP.HCM là 104,5.

Về tiêu chí tiêm chủng, TP.HCM đạt các tiêu chí với tỷ lệ 98% người trên 18 tuổi tiêm mũi một và trên 76% tiêm đủ 2 mũi; 76,11% người trên 50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. TP.HCM cũng đạt chỉ tiêu khả năng thu dung, điều trị ở cấp phường, xã, thị trấn (trạm y tế lưu động và ICU).

"TP.HCM đang ở cấp độ dịch thứ 2, nhưng vẫn rất đáng lo ngại" - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng tại cuộc hop. Ảnh: Linh Nhi

"Ước tính hôm nay, TP.HCM đang ở cấp độ 2. Tuần trước, TP ở cấp 3. Nghe thì vui nhưng ngành y tế rất lo bởi ngay cả Singapore làm rất tốt, vừa công bố sau một tuần thì nâng cấp ngay. Việc đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thì, không có giá trị vĩnh viễn, nếu chủ quan, không làm tốt việc đang làm thì cấp độ dịch sẽ tăng lên vì chủng Delta quá phức tạp", ông Thượng nói.

Đợt dịch vừa qua cũng đã bộc lộ những yếu kém của hệ thống y tế cơ sở. Ngoài việc xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo dịch, Sở Y tế đã yêu cầu các quận huyện cứ 6 ngày phải đánh giá cấp độ dịch một lần, không được lơ là chủ quan. 

Cùng với đó là phải thiết lập lại hệ thống điều trị để đề phòng dịch bùng phát trở lại. Ngoài 3 bệnh viện dã chiến kèm trung tâm hồi sức Covid-19 theo mô hình bệnh viện 3 tầng, các bệnh viện khác đều phải thành lập khoa Covid hoặc đơn vị điều trị Covid để vừa có thể tiếp nhận F0, vừa đảm bảo khám chữa bệnh thông thường.

"Đợt dịch vừa rồi chúng ta bị động, các bệnh viện phải dồn hết sức cho điều trị Covid-19 nên người dân cũng thiệt thòi do không còn nơi nào khám bệnh thông thường. Nếu không chấn chỉnh hoặc có kế hoạch chu đáo, hệ thống y tế sẽ không thể đối phó với việc bùng phát dịch dữ dội như thời gian qua. Đợt dịch thứ 4 chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của cả nước, nhưng có lẽ đây là đợt hỗ trợ duy nhất trong lịch sử, vì thế thành phố phải tính phương án chủ động nguồn lực y tế của các bệnh viện, hỗ trợ các quận huyện khi cần thiết", ông Thượng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem