Chia sẻ với PV báo Dân Việt, BS CKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, ngày 20/10 vừa qua bệnh viện tiếp nhận một trường hợp tự tử rất đau lòng - nam sinh 14 tuổi, từng là học sinh ngoan ở Đồng Tháp.
Theo bác sĩ Phương Vũ: "Cậu bé 14 tuổi ham game online. Vì dịch phải học trực tuyến ở nhà nên mỗi lần xin tiền mẹ nạp 3G để học, cậu bé lại xin nhiều hơn để nạp thẻ chơi game. Sau khi bị người nhà phát hiện và quát mắng, ngày 20/10, cậu bé đã uống 1/4 chai thuốc trừ côn trùng hoạt chất Abamectin (loại thuốc cực độc có thể gây cho côn trùng, ve mạt ngừng ăn và ngừng sinh trứng ngay lập tức). Chỉ 10 phút sau, cậu bé sùi bọt mép, co giật và nhanh chóng rơi vào hôn mê".
Bác sĩ Phương Vũ cho biết, sau khi đưa vào bệnh viện địa phương, bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, cho uống than hoạt và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng, tuy nhiên, cậu bé hiện vẫn hôn mê sâu, phù não. Đáng tiếc hơn đây là loại thuốc trừ côn trùng thuộc nhóm chưa có thuốc giải.
Vụ việc xảy ra vô cùng đáng tiếc, bác sĩ Phương Vũ bày tỏ: "Dẫu biết lứa tuổi thiếu niên nhiều ẩm ương lại chịu gánh nặng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hành vi tự sát hoàn toàn có thể ngăn chặn được từ gia đình.
Hiện tại cậu bé vẫn còn mê man và chưa hiểu được hết nỗi đau thân xác từ hành động liều lĩnh của mình nhưng nỗi đau tinh thần luôn dày vò cha mẹ và người thân của em bên ngoài cánh cửa buồng bệnh còn đau gấp vạn lần. Phụ huynh hãy luôn dành thời gian bầu bạn cùng con để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay".
Theo BS CKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng, nhiều trường hợp được cứu sống, khi lấy lại bình tĩnh thường tâm sự với các bác sĩ rất thật lòng.
"Các bạn nhỏ mang tâm lý áp lực học đường, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, tâm tư tuổi mới lớn không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế. Khi các em không thể chịu đựng nổi nữa, không thể làm gì hơn ngoài việc tìm đến cái chết.
Nếu phát hiện muộn, đã có biến chứng, những trường hợp tự tử dù được cứu sống cũng vẫn ảnh hướng đến các cơ quan như: tim, gan, thận, lâu nữa sẽ gây viêm phổi. Những người đã trải qua một lần tự tử thì chắc chắn thần kinh không còn được bình thường như trước. Hậu quả lớn nhất chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ cho chính bệnh nhân đó và cho gia đình của họ. Vì thế để tránh hiện tượng này xảy ra trong tương lai, lối sống của các con em cần sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, gia đình đối với từng cá nhân là rất quan trọng", bác sĩ Thy cho hay.
Trong hai ngày 21-22/10, Bộ GDĐT phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em học sinh trong thời gian không thể đến trường; các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp, nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh; những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Từ đó, khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức tập huấn tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh.