Thạc sĩ Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên sống tại Sydney, Australia. Chị có 2 con trai là Subi (sinh năm 2014) và Subo (sinh năm 2017) và được biết đến với nhiều bài viết chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Hà Trang cho biết, hiện tại con chị đang học online do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tùy vào các cấp lớp khác nhau để có các bài giảng và thời lượng học khác nhau. Ở cấp mầm non đến lớp 2 thì thời gian học online không nhiều. Thầy cô giáo sẽ giao tập tài liệu các môn cả tuần và chia ra từng ngày cụ thể đi kèm các video tải trên app của trường.
Trường thiết kế bài tập dàn trải để học sinh làm đủ trong thời gian từ 9-15h, đúng khung thời gian học ở trường. Một tuần có vài buổi Zoom với thầy cô giáo trong khối, lớp và nhóm nhỏ từng môn học. Thời lượng học Zoom từ 30-45 phút và mỗi tuần chỉ có khoảng 3-5 buổi học. Sau mỗi ngày, học sinh chụp ảnh tải lên app để giáo viên xem và trao đổi với học sinh.
Chị Trang cho biết, khi con học online, chị kèm con rất kỹ về thái độ, cách nói năng và ứng xử với thầy cô giáo. "Mình rất nghiêm trong vấn đề này. Mỗi lần gặp mặt thầy cô hay họp phụ huynh, vấn đề mình quan tâm đầu tiên luôn là vấn đề ý thức và thái độ của con ở trường.
Mình nói rõ với con rằng thành công của một ngày học phụ thuộc phần lớn ở con. Nếu con có thái độ tốt, nói năng hợp lý và biết cách ứng xử thì việc học luôn trôi chảy, mối quan hệ với thầy cô và các bạn sẽ tốt đẹp. Ngược lại, nếu con có thái độ không đúng mực, nói năng và ứng xử không biết điểm dừng, việc thầy cô không có thiện cảm với con hay con không thể có được những cơ hội tốt ở trường là điều không ngạc nhiên. Không thể bắt thầy cô luôn phải thế này, thế kia khi mình không biết hợp tác, thiếu ý thức và nói năng chỏng lỏn".
Vì vậy, từ ngày cả tiểu bang nơi chị Trang sinh sống bị phong tỏa, các con học online nhiều hơn, chị Trang đã dặn con về quy định học online. Cụ thể như sau:
"Luôn phải chào hỏi thầy cô và các bạn đầu buổi học.
Không được phép nghịch bất kỳ thứ gì trên màn hình, trong máy tính, mất tập trung trong buổi học.
Không được phép ra khỏi ghế ngồi khi chưa xin phép và chưa có lý do chính đáng, không được quay ghế, chạy lung tung trong giờ học. Việc của thầy cô giáo là giảng bài chứ không phải để lo quản con ngồi học thế nào và ngồi học ở đâu.
Nếu không phải do mạng có vấn đề và lớp ồn thì con không được phép để thầy cô gọi tên hay nêu yêu cầu làm việc đến lần thứ 2. Một lớp có hơn 20 bạn, mỗi bạn thầy cô đều gọi 2 lần nghĩa là thầy cô tốn thêm bao nhiêu thời gian và sức lực.
Muốn nói phải giơ tay xin nói, nói năng phải đầy đủ cả câu, không được phép trả lời trống không.
Để có thể dạy học online, thầy cô phải kỳ công chuẩn bị tài liệu, trò chơi, phương pháp truyền tải kỹ lưỡng hơn rất nhiều, con nên tích cực tham gia vào các vấn đề thầy cô đưa ra và luôn nói lại với thầy cô cảm nghĩ của con về những điều làm con thích thú trong buổi học.
Không vừa học vừa ăn.
Không nằm bò ra bàn, ngáp và tuyệt đối không được phép hỏi: "Đã hết giờ chưa ạ?". Nếu con cảm thấy không khỏe thì nói với mẹ để mẹ xin phép thầy cô cho con nghỉ học, chứ không được phép lên lớp với trạng thái uể oải. Chính thái độ của con làm nên hứng thú dạy học của thầy cô giáo.
Nếu con không hiểu phần nào trong lúc học, sau buổi học nhắn tin riêng hỏi lại thầy, không làm ảnh hưởng đến thời gian chung của các bạn. Lớp học là của chung, không phải được tạo nên chỉ vì một mình mình.
Thầy cô là thầy cô. Thầy cô vui vẻ, thân thiện, dễ gần nhưng không có nghĩa là mình được trêu đùa quá chớn, hỗn, nhờn và cào bằng.
Luôn phải biết cảm ơn thầy cô và chào tạm biệt thầy cô và cả lớp khi kết thúc buổi học".
"11 điều trên là những điều phải, chứ không phải là nên. Tự do và tôn trọng nhưng trong môi trường nào, hoàn cảnh nào cũng có những quy định riêng. Khi con không thể tuân thủ những quy định đó, con buộc lòng bị đào thải. Mẹ sẵn sàng cho con nghỉ học giữa chừng nếu thấy con chưa đủ ý thức để ngồi học buổi hôm đó. Mẹ cũng sẵn sàng cho con nghỉ học dài hạn cho đến khi đủ ý thức để tiếp tục hợp tác với các thầy cô.
Việc rèn ý thức và thái độ của con là nhiệm vụ của bố mẹ. Và đó là việc cần làm với con từ khi sinh ra chứ không phải đợi đến khi đi học mới chỉ bào, rèn giũa", chị Trang cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.