Quốc hội vừa nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH; quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2020, toàn quốc có số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.125.236 người, tăng hơn 2 lần so với năm 2019.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá, người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đã đạt tỷ lệ 2,31% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025 trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH.
Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện đang có sự phát triển vượt bậc.
Nếu như năm 2008, năm bắt đầu thực hiện chính sách cho đến năm 2018, toàn quốc mới chỉ có khoảng 250.000 người tham gia thì chỉ trong năm 2020, 2021 con số này đã lên tới xấp xỉ 1,3 triệu người. Có thể nói rằng, hai năm vừa qua, chúng ta đã phát triển chính sách này gấp mấy lần so với 10 năm trước đó.
Báo cáo đánh giá, đạt được kết quả vượt bậc như trên là nhờ những năm qua, Chính phủ, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để tăng cường thực hiện chính sách BHXH tự nguyện để các thủ tục ngày càng đơn giản, thuận tiện, phục vụ, tiếp cận rộng rãi hơn đến các tầng lớp nhân dân.
Là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam xác định “chìa khoá” trong thực hiện hiệu quả công tác này nằm ở việc thay đổi được nhận thức của người dân, người lao động, để họ biết, hiểu, củng cố niềm tin về chính sách nhân văn, ưu việt này của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực, chủ động tham gia.
Do đó, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”.
Công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Năm 2020, qua công tác phối hợp này đã có khoảng 120 hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tư vấn, đối thoại… truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được tổ chức, thu hút khoảng 24.000 lượt người tham dự. Trong đó, nổi bật là vai trò của: Bộ LĐTBXH, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Các hình thức truyền thông được đơn vị triển khai theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú, phát huy được thế mạnh của từng đơn vị phối hợp. Nội dung truyền thông tập trung chủ yếu vào ý nghĩa, lợi ích, quyền lợi, phương thức, thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Nhóm người truyền thông được hướng đến là nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã…
Bên cạnh công tác phối hợp, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung, hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và xu thế hiện nay.
Các hình thức trực tiếp nhóm nhỏ với các nhóm chủ thể tham gia BHXH, BHYT tại cơ sở được đẩy mạnh, công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trên mạng xã hội được chú trọng thực hiện.
Kể từ khi BHXH Việt Nam có văn bản số 2705/BHXH-TT ngày 27/8/2021 về tăng cường truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường Internet, mạng xã hội, đến nay đã có 6.780 trang Fanpage Facebook, Zalo, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân cán bộ trong Ngành được thành lập; thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, tiếp cận thông tin của người dân, người lao động về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động triển khai các chiến dịch truyền thông online, điển hình là chiến dịch truyền thông Xúc cảm về các chế độ BHXH; tổ chức các lễ ra quân tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên toàn quốc;…
Các tỉnh cũng đặc biệt chú trọng truyền thông nhóm nhỏ vừa tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19, vừa tiếp cận người dân.
Trong năm 2020, toàn quốc đã tổ chức được trên 26.000 hội nghị truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN thu hút khoảng 1,4 triệu tham gia. Sang năm 2021, hình thức này tiếp tục được tăng cường trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 26.900 cuộc được tổ chức.
BHXH các tỉnh, thành phố cũng tạo mọi điều kiện để các hội, đoàn thể trên địa bàn phát huy vai trò của mình trong việc truyền thông, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH tự nguyện mang lại hiệu quả tích cực điển hình như Hội nông dân, Hội phụ nữ…
Năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28, toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017.
Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Và đến năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng gấp đôi so với năm 2019.
(BHXH Việt Nam)