Tháng 5/2020, một nghiên cứu mới đã hé lộ về lỗ hổng khổng lồ trên lớp băng lâu đời nhất và dày nhất ở Bắc Cực. Mặc dù các nhà khoa học tin rằng lớp băng ở khu vực này là ổn định nhất Bắc Cực, nhưng có vẻ như giờ đây chúng cũng rất dễ tan chảy.
Polynya - hay vùng nước lộ thiên – lần đầu được quan sát ở phía bắc của Đảo Ellesmere. Trong báo cáo của các nhà nghiên cứu về polynya, được xuất bản vào tháng 8 trên tạp chí Geophysical Research Letters, họ tiết lộ rằng các hố tương tự có thể đã mở vào năm 1988 và 2004.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Kent Moore, cho biết: "Tại khu vực phía bắc đảo Ellesmere, rất khó để di chuyển băng xung quanh hoặc làm tan chảy bởi lớp băng tại đây khá dày. Chúng tôi chưa từng thấy lỗ hổng nào ở khu vực đó trước đây".
Băng ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của đảo Ellesmere dày hơn 4m, với độ tuổi trung bình là 5 năm. Tuy nhiên, "lớp băng cuối cùng" này của Bắc Cực dường như dễ bị tổn thương do "sự ấm lên nhanh chóng" ở các vĩ độ phía bắc. Theo hai nghiên cứu năm 2021, biển Wandel đã mất một nửa lượng băng bên trên và các vòm băng kết nối biển này với Greenland đang tan nhanh hơn mỗi năm.
Điều này thực sự đáng báo động, các loài động vật sống phụ thuộc vào băng biển quanh năm, chẳng hạn như gấu Bắc Cực, sẽ tuyệt chủng. David Babb, một nhà nghiên cứu băng biển tại Đại học Manitoba ở Canada, cho biết trong một tuyên bố: "Sự hình thành của một khối đa giác trong khu vực này thực sự rất độc đáo, giống như một vết nứt trên lá chắn của lớp băng rắn vậy. Bắc Cực đang dần thay đổi!"
Theo Kent Moore, các polynyas có thể mở ra thường xuyên hơn trong tương lai khi lớp băng cuối cùng của Bắc Cực tan chảy. Trong ngắn hạn, những khu vực mở này có thể có lợi cho sự sống: Ánh sáng mặt trời chiếu vào nước đại dương, cho phép tảo quang hợp nhiều hơn, thu hút cá và động vật giáp xác. Những điều này thu hút chim biển, hải cẩu và gấu Bắc Cực, nhưng cũng chỉ là tạm thời. Ông nói: "Về lâu dài, khi băng tan và trôi dần ra ngoài khơi thì các loài như hải mã và chim biển sẽ mất nơi sinh sống. Đến cuối cùng, Bắc Cực sẽ trở nên ấm áp đến mức các loài không thể tồn tại".