Quân đội Sudan được cho là đã tiến hành đảo chính và bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok và nhiều bộ trưởng lẫn các quan chức khác sáng nay (25/10).
Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng ngày cho biết việc lực lượng an ninh Sudan bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự, bao gồm cả Thủ tướng Abdalla Hamdok là "không thể chấp nhận được".
Volker Perthes, Đại diện đặc biệt của LHQ tại Sudan cho biết: "Tôi vô cùng lo ngại về các báo cáo về một cuộc đảo chính đang diễn ra và những nỗ lực nhằm phá hoại quá trình chuyển đổi chính trị của Sudan. Tôi kêu gọi lực lượng an ninh thả ngay lập tức những người đã bị giam giữ hoặc quản thúc trái pháp luật".
EU và Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về việc quân đội tiếp quản chính quyền dân sự ở Sudan.
Giám đốc đối ngoại EU, Josep Borrell tuyên bố, ông đang theo dõi sát các sự kiện ở quốc gia đông bắc châu Phi với "mối bận tâm tối đa" sau khi các báo cáo xuất hiện rằng, các lực lượng quân sự Sudan đã bắt giữ một số quan chức chính phủ cấp cao.
Thủ tướng Abdalla Hamdok được cho là đã bị quản thúc tại gia từ sáng nay, sau khi một đơn vị quân đội bao vây nhà ông ở thủ đô Khartoum, theo Al Hadath TV.
Nhóm người mặc quân phục mang vũ khí cũng bắt một số quan chức cấp cao trong chính phủ, gồm Bộ trưởng Nội các, Bộ trưởng Thông tin, cố vấn truyền thông của Thủ tướng và một thành viên Hội đồng Chủ quyền.
Bộ Thông tin Sudan sau đó ra tuyên bố, xác nhận nhiều bộ trưởng đã bị "các lực lượng quân sự liên quân" bắt giữa.
"Sau khi Thủ tướng Hamdok từ chối tham gia đảo chính, một đơn vị quân đội đã bắt ông và đưa đến địa điểm chưa xác định", tuyên bố có đoạn.
Mạng Internet được cho là đã bị cắt trên toàn Sudan, khi những người biểu tình tụ tập trên đường phố để phản đối hành động của quân đội. Binh lính xuất hiện trên các tuyến đường chính dẫn đến thủ đô, trong khi truyền hình đang phát các bài hát yêu nước. Hiệp hội Chuyên gia Sudan, nhóm chính trị ủng hộ dân chủ đã gọi động thái của quân đội là một cuộc đảo chính và kêu gọi công chúng xuống đường phản đối.
Biến động chính trị xảy ra ở Sudan sau khi quốc gia Bắc Phi này trên bờ vực bất ổn sau cuộc đảo chính bất thành tháng trước. Khoảng 40 sĩ quan quân đội khi đó đã bị bắt khi tìm cách kiểm soát các tòa nhà của đài truyền hình quốc gia và tổng hành dinh quân đội.
Các nhóm quân sự và dân sự ở Sudan đã cạnh tranh gay gắt để chia sẻ quyền lực sau khi lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019.
Hội đồng Chủ quyền Sudan đang chịu trách nhiệm điều hành đất nước, theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội và các lực lượng dân sự sau khi ông Bashir bị lật đổ trong thời gian đợi các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra dự kiến vào năm 2024.