Ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên sơ thẩm, xét xử Bùi Mạnh Tiến (Tiến "trắng", SN 1995, Nguyên Xá, Vũ Thư, Thái Bình) và đồng phạm trong vụ án "Cố ý gây thương tích", xảy ra tại huyện Vũ Thư vào năm 2018. Trong vụ án này, Tiến và đồng bọn đã chém anh Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình, lái xe khách) khiến anh này thương tật tới 44%.
Tiến "trắng" được biết đến là con nuôi của Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, Đường "Nhuệ", TP.Thái Bình, Thái Bình).
Một diễn biến đáng chú ý ở phiên sơ thẩm, Tiến "trắng" đã từ chối luật sư bào chữa cho mình tại tòa. Diễn biến này khiến nhiều người theo dõi phiên xét xử khá bất ngờ.
Về phía luật sư bào chữa cho Tiến "trắng", sau khi thân chủ từ chối việc tham gia bào chữa tại phiên tòa, các luật sư đã rời khỏi tòa.
Tiến bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích", tuy nhiên thanh niên sinh năm 1995 cũng "dặn dò" người nhà không được kháng cáo, kể cả nhờ luật sư kháng cáo.
Trước Tiến "trắng", ở nhiều phiên tòa khác cũng ghi nhận việc các bị cáo từ chối luật sư bào chữa.
Đó là trường hợp Đường "Nhuệ" ở phiên xét xử công khai vụ "Cố ý gây thương tích", do Tòa án nhân dân TP.Thái Bình mở ngày 18/8/2020. Đường "Nhuệ" là bị cáo duy nhất trong vụ án.
Vụ án đó, Đường được xác định là người đã đánh nạn nhân ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP.Thái Bình) vào năm 2014. Tại phiên xét xử, Đường "Nhuệ" đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và từ chối luật sư bào chữa.
"Bị cáo không hiểu rõ pháp luật nhưng trong giai đoạn điều tra vừa qua, bị cáo đã nhận thức được việc hành hung mẹ con bà Lý (Đinh Thị Lý, TP.Thái Bình) là trái pháp luật, bị cáo đề nghị khi tranh luận thì 2 luật sư bào chữa không cần gỡ tội mà để bị cáo tự bào chữa" - Đường Nhuệ nói ở phiên tòa.
Tại một phiên tòa khác do Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử vào tháng 4 năm nay, 1 bị cáo cũng đã khăng khăng từ chối luật sư.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Trình (SN 1974, Vĩnh Long, bị đưa ra xét xử tội "Giết người") đã khăng khăng từ chối luật sư do tòa chỉ định.
Nhiều lần Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát, luật sư động viên và giải thích cho Nguyễn Văn Trình về việc có mặt của luật sư sẽ hỗ trợ tốt nhất cho bị cáo này. Thế nhưng Trình cho rằng quá trình điều tra bị cáo không được chỉ định luật sư, vì thế tại phiên tòa bị cáo từ chối luật sư do tòa chỉ định, tự bào chữa trước tòa.
Út "trọc" – Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) là trường hợp cũng từ chối luật sư do tòa chỉ định.
Ở phiên phúc thẩm ngày 20/5/2021 do Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở, xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") và đồng phạm liên quan sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ đã từ chối luật sư do tòa chỉ định.
Do các luật sư của bị cáo Hệ không có mặt tại phiên tòa, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo, Hội đồng xét xử đã chỉ định luật sư bào chữa. Tuy nhiên Đinh Ngọc Hệ từ chối, tự thực hiện quyền tự bào chữa của mình.
Bị cáo có quyền từ chối luật sư bào chữa
Liên quan đến quyền từ chối luật sư bào chữa của bị can, bị cáo, trao đổi với Dân Việt, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc bị can, bị cáo từ chối luật sư bào chữa không phải hiếm và các bị can, bị cáo có quyền làm như vậy.
Luật sư Quách Thành Lực viện dẫn, theo Điều 77 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, có 3 đối tượng có quyền thay đổi hoặc từ chối luật sư bào chữa, gồm chính bản thân bị can, bị cáo; người đại diện của bị can, bị cáo và cuối cùng là người thân thích của bị can, bị cáo.
Theo luật sư này, khi việc từ chối luật sư không phải do chính bị can, bị cáo thực hiện thì đều phải được sự đồng ý của họ và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, ngoại trừ người này có nhược điểm về thể chất, tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi mà không thể tự bào chữa.
Bên cạnh đó, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa cho mình hoặc nhờ người khác bào chữa cho, vì vậy việc có từ chối luật sư bào chữa hay không là do bị can, bị cáo.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, trường hợp, bị can, bị cáo từ chối luật sư được chỉ định, khi đó các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc các tổ chức sau đây phải cử người tiếp tục việc bào chữa: Đoàn luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Lúc này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng lập thành văn bản và dừng việc chỉ định người bào chữa.
Liên quan đến phiên xét xử vụ "Cố ý gây thương tích" do Tiến "trắng" và đồng phạm gây ra, trao đổi với Dân Việt sau khi phiên tòa diễn ra, luật sư bào chữa cho Bùi Mạnh Tiến cho biết, có thể do Tiến có tâm lý chưa tốt nên đã từ chối luật sư bào chữa.
Tại phiên tòa đó, Tiến "trắng" cũng tố bố nuôi là Đường "Nhuệ" bán đứng mình, vị luật sư bào chữa cho nam bị cáo sinh năm 1995 chia sẻ, có thể Tiến có sự hiểu nhầm.
"Hiện mọi chuyện đã được giải quyết, tôi tiếp tục bào chữa cho Tiến ở vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" (vụ Đường "Nhuệ" "bảo kê" hỏa táng – PV)" – vị luật sư nói.