Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá cau tươi được ghi nhận tăng vọt ở nhiều địa phương, giá cau tươi mới nhất hiện nay dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg mà vẫn cháy hàng.
Ghi nhận tại huyện An Lão (Bình Định), do tác động của dịch Covid-19, giá nhiều loại nông sản giảm đáng kể nhưng riêng giá cau tươi lại tăng đột biến, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nếu như đầu vụ, giá cau tươi tại Bình Định dao động trong khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg thì hiện đã đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc nên các "vựa" cau ở An Lão cũng tăng tốc thu mua về chế biến.
Giá cau tươi tăng cao đã giúp người dân huyện An Lão có thêm nguồn thu nhập đáng kể khi giá bán đã cao gấp 2 - 3 lần đầu năm.
Được biết, An Lão là địa phương có diện tích cau lớn nhất nhì tỉnh Bình Định, năm 2019, cau trái An Lão còn được UBND tỉnh Bình Định công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Theo đánh giá của các thương lái, cau ở An Lão đẹp từ màu sắc đến chất lượng nên giá thu mua bao giờ cũng cao hơn.
Tại Quảng Ngãi, giá cau tươi mới nhất cũng đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần so với năm ngoái.
Huyện Sơn Tây là địa phương có diện tích cau tương đối lớn ở Quảng Ngãi với trên 1.100 ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn cau trái.
Người dân tính toán, với giá cau tươi mới nhất hiện nay đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg thì người dân Sơn Tây có thể thu về hàng chục tỷ đồng.
Giá cau tươi mới nhất tại các tỉnh phía Bắc cũng tăng chóng mặt, tại Hải Hậu (Nam Định), giá cau tươi đang neo cao ở mức 70.000- 100.000 đồng/kg nhưng nhiều nhà vườn không còn cau để bán.
Tại Lào Cai, giá cau tươi cũng dao động trong khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá cau tươi tăng cao là do nhu cầu tăng cao đột biến từ Trung Quốc. Được biết, Trung Quốc mua cau tươi của Việt Nam về chế biến làm kẹo cau.
Đáng chú ý, giá cau tươi đang tăng cao khiến nông dân ở nhiều địa phương bắt đầu mua cây cau giống về trồng.
Tại Đắk Lắk, nhiều cơ sở kinh doanh cây giống cho biết, giá cau giống đã tăng gấp đôi so với năm trước.
Nếu như trước đây, cây cau giống khoảng 20-30cm chỉ có giá vài nghìn đồng thì giờ lên 15.000 - 20.000 đồng/cây.
Còn trên mạng xã hội, các diễn đàn, giá cau giống cũng được rao bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/cây.
Trong khi giá cau giống đang tăng cao thì nhiều địa phương lại khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích cau, không nên phá bỏ các cây trồng khác để trồng cau mà chỉ nên trồng xen cau ở hàng rào, nơi đất xấu làm cảnh quan kết hợp khai thác quả.
"Hiện, cả nước đã có trên 10.000ha trồng cau, nếu bà con không tỉnh táo, nhìn thấy giá tăng mà mở rộng diện tích thì nguy cơ rủi ro rất lớn" - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo.
Trước thực trạng người dân nhiều nơi có xu hướng ồ ạt trồng cau khi giá cau tươi tăng cao đột biến, chiều 28/10, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, dù giá cau tươi đang tăng nhưng người dân tuyệt đối không nên ham lợi nhuận trước mắt mà mở rộng diện tích.
"Tuyệt đối không nên nhìn thấy giá cau tươi đang tăng cao mà chặt bỏ các cây trồng khác để đầu tư vào trồng cau" - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, hiện, cau chỉ được coi là cây cảnh quan, không nằm trong cơ cấu các loại cây trồng chủ lực ở các địa phương, trong khi cau chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và diễn biến thị trường cũng rất khó lường.
"Hiện, cả nước đã có trên 10.000ha trồng cau, nếu bà con không tỉnh táo, nhìn thấy giá tăng mà mở rộng diện tích thì nguy cơ rủi ro rất lớn" - ông Cường cảnh báo.