Mới đầu vụ, gia đình chị Nguyễn Thị Nga (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đã bán được khoảng 40kg cau, với giá cả 2 đợt khác biệt: “Đợt đầu bán 35.000 đồng/kg, đợt sau cách đó chừng hơn 1 tuần mà bán được 50.000 đồng/kg. Tính ra 2 đợt thu được hơn 2 triệu đồng, bất ngờ luôn”, chị Nga cho biết.
Tại huyện Sơn Tây- thủ phủ của cây cau ở Quảng Ngãi, người dân nơi đây cũng đang rất phấn khởi vì giá cau đạt kỷ lục. Mới đầu mùa, cau thu hoạch chưa nhiều giá tại vựa thu mua dao động khoảng 50.000 đồng/kg, thậm chí đạt 55.000 - 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cau được xem là cao kỷ lục ở thời điểm đầu mùa các năm trước chỉ khoảng 26.000 đồng/kg.
Ông Đinh Văn Nhiều (thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) vừa bán trái của một đồi cau hơn 500 cây, thu được 180 triệu đồng. "Với giá cau hiện nay, một tạ cau có thể mua được một chỉ vàng", ông Nhiều phấn khởi cho biết.
Theo ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tây, huyện này đang có khoảng 1.000 ha cau, nếu giá được duy trì như hiện nay, người dân sẽ có nguồn thu nhập lớn.
“Ngoài doanh nghiệp Trung Quốc, còn có doanh nghiệp Ấn Độ đặt hàng mua cau ở địa phương”, ông Khuyến chia sẻ.
Các thương lái lý giải, giá cau đầu vụ tăng cao là do bão số 9 năm ngoái tàn phá một số lượng cây rất lớn ở nhiều tỉnh miền Trung khiến nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, dù dịch bệnh phức tạp, nhưng nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh.
Cây cau không kén đất, ít bị sâu bệnh, đầu tư một lần cho thu hoạch trong thời gian dài từ 15-20 năm. Thế nhưng, thị trường tiêu thụ của nông sản này lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên giá cả không ổn định. Hiện người trồng cau đang hy vọng cau “giữ” được giá, có thêm thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.