Gia đình chị Hồ Thị Rủi (người Vân Kiều, ở thôn Hang Chuồn, Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, chị đã đầu tư trồng 4ha rừng keo và chăn nuôi trâu, bò. Đến nay gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Tại huyện miền núi Minh Hóa, trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà (ở xã Hóa Hợp) là hộ nghèo nhiều năm liền. Tuy nhiên, sau khi dự lớp tập huấn của Hội Phụ nữ xã về kế hoạch phát triển sản xuất để nâng cao đời sống gia đình, chị đã mạnh dạn vay vốn chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo để cải tạo vườn trồng cây thanh long.
"Ngân hàng CSXH có chủ trương cho bà con từ các tỉnh phía Nam trở về quê vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang triển khai và sẽ giám sát, tạo điều kiện cho bà con hoàn thành các thủ tục vay vốn triển khai các mô hình sản xuất".
Ông Phan Văn Tiến - Chủ tịch UBND
xã Sơn Lộc (Bố Trạch, Quảng Bình)
Ban đầu chị Hà trồng 50 trụ cây thanh long. Thấy có hiệu quả, chị mở rộng trồng lên gần 250 trụ, trong đó 150 cây đã cho thu hoạch. Thanh long của chị ngon ngọt, được nhiều người đến vườn đặt mua.
Thấy mình khá "mát tay" trong trồng trọt, chị Hà tiếp tục vay vốn Ngân hàng CSXH để chăm sóc vườn cây, làm chuồng trại nuôi lợn và đào ao nuôi cá. Trên vùng đất hoang hóa năm nào, giờ đây gia đình chị Hà giờ có thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Khi dịch Covid-19 bùng phát diễn biến phức tạp, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế cho người dân từ các tỉnh phía Nam trở về.
Ông Nguyễn Quang Trung (ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch) vừa trở về quê được hơn một tháng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, tạo việc làm mới. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng CSXH với gói vay ưu đãi 100 triệu đồng đã giúp ông mạnh dạn đầu tư, làm ăn trên chính quê hương mình. Ông Trung cho biết: Gia đình có đất đai, cơ sở vật chất, nay được vay vốn Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình ông phát triển chăn nuôi theo mô hình vườn ao chuồng.
Ông Phan Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, chia sẻ: Ngân hàng CSXH có chủ trương cho bà con từ các tỉnh phía Nam trở về quê vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương đang triển khai và sẽ giám sát, tạo điều kiện cho bà con hoàn thành các thủ tục vay vốn triển khai một số mô hình thích hợp với vùng gò đồi của xã.
Tại địa bàn huyện Quảng Ninh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phân công cán bộ tiếp cận, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát đối tượng bị ảnh hưởng do dịch. Từ đó, nắm bắt tình hình nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp cho doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định cuộc sống; giảm các tác động tiêu cực bởi đại dịch. Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp trên địa bàn được vay 511 triệu đồng để trả lương cho lao động.
Theo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình, song song với công tác huy động nguồn vốn, đơn vị này đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ngân hàng đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội ký kết hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách, cùng chung tay chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước kịp thời đến người dân.
Hiện nay, 4 tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh nhận ủy thác tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ. Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Năm 2021, mặc dù thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng nguồn vốn được Trung ương cấp, của địa phương ủy thác đã được đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách chuyển tải về 151 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; phân bổ tới 1.724 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, giúp người dân có vốn kịp thời khôi phục, phát triển kinh tế gia đình, ổn định, nâng cao cuộc sống.