Dân Việt

Chuyện ma Sài Gòn: Xưa nhiều người đồn, nay còn ai tin?

Hoàng Ba Đình 06/11/2021 13:26 GMT+7
Thế giới có ma không? Nhiều người nói có, nhiều người nói không, khoa học đang tìm hiểu. Nếu tin rằng có, cũng chẳng có gì phải rụt rè cả, bởi không ít người trên thế giới tin vào chuyện ma quái này.

Ngay cả ông bà ta cũng có cả một kho tàng truyện cổ tích về đề tài này. Dù thực sự nhiều người không tin, nhưng vẫn rất khoái nghe truyện ma, xem kịch ma, coi phim ma... bởi "bị nhát ma" có lẽ đã trở thành nhu cầu của một số người.

Chuyện ma Sài Gòn: Xưa nói là có, nay còn hay không? - Ảnh 1.

Nhà Chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từng được đồn đãi về câu chuyện “Con ma nhà họ Hứa”. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Vậy Sài Gòn có ma không? Cứ theo lý lẽ thông thường, những linh hồn nào vất vưởng ở trần gian sẽ trở thành ma. Sài Gòn là đô thị lớn nhất cả nước, nhiều người từng sống ở đây, vậy theo lý thuyết, ở Sài Gòn chắc chắn nhiều ma nhất nhì cả nước.

Lần mò trên mạng từ Youtube đến Tiktok, sẽ thấy hàng loạt vlog chia sẻ những video tìm kiếm những lực lượng siêu nhiên tại những địa điểm huyền bí từ Nam chí Bắc ở nước ta. 

Trong những địa điểm được ghi hình, không thiếu những địa điểm được đồn đoán tại Sài Gòn như những bệnh viện bị bỏ hoang, những chung cư xuống cấp, những công trình xây dựng dang dở, và nổi tiếng nhất là chung cư với ba tòa tháp song song ở quận 5. Nhưng tất cả đều chỉ là đồn đoán.

Chuyện ma Sài Gòn: Xưa nói là có, nay còn hay không? - Ảnh 2.

Công trường Dân Chủ, liệu đây có phải “Mả Ngụy” thời xưa? Ảnh: Hoàng Ba Đình

Còn như chuyện ma ở Sài Gòn khiến người dân thực sự sợ hãi mỗi khi nhắc đến, phải kể đến chuyện Mả Ngụy, chuyện mộ cổ ở Tao Đàn, hoặc chuyện ma trong khám Chí Hòa.

Mả Ngụy? Đây là tên địa danh. Tên gì nghe sởn gai ốc vậy? Xét về vị trí, phải nói rằng không có ranh giới, địa giới hành chính cụ thể nào dành cho khu vực Mả Ngụy này cả. Vậy thực sự Mả Ngụy là gì?

Mả ngụy là một mồ chôn tập thể những người tham gia hoặc liên quan đến cuộc nổi dậy do Lê Văn Khôi (1833-1835) lãnh đạo. Cuộc nổi dậy diễn ra ở thành Phiên An (còn gọi là thành Gia Định, thành Sài Gòn) vào thời nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa thất bại, quân nổi dậy và dân chúng (gồm già trẻ, trai gái) ở trong và bên ngoài thành vài dặm đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, và gọi là Mả ngụy hay Mả biền tru.

Vị trí ngôi mộ chung đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nằm ở khoảng Công trường Dân Chủ (đường Cách mạng Tháng Tám và đầu đường Ba Tháng Hai ngày nay). Khác biệt với ý kiến trên, có một số học giả cho rằng Mả Ngụy nằm ở làng Chí Hòa (quận 10), hoặc có thể ở khu vực bệnh viện Bình Dân (quận 3). Tức cũng loanh quanh khu vực Công trường Dân Chủ.

Chuyện ma Sài Gòn: Xưa nói là có, nay còn hay không? - Ảnh 3.

Mộ cổ trong Công viên Tao Đàn. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Tất nhiên, sau màn thảm sát của triều đình, sự sống nơi đây điêu linh, người còn sống khi đi ngang khu vực trên không tránh khỏi bàng hoàng sợ sệt, mà bàng hoàng sợ sệt lại khiến cho yếu bóng vía... sợ thần sợ quỷ, trông gà hóa cuốc dẫn đến hàng loạt tin đồn khu vực này có ma. Thực tế, có hay không không biết, nhưng tâm lý sợ hãi đó chính là mong muốn của triều đình phong kiến ngày xưa muốn áp đặt lên những nơi từng nổi dậy chống đối.

Còn chuyện mộ cổ ở Tao Đàn lại khác. Như ông Quang Minh (quận 3) kể lại: "Tụi tôi lúc nhỏ thường trốn học ra Tao Đàn chơi trốn tìm, chơi đá banh... Nhưng dù mê chơi cỡ nào cũng phải ra khỏi Tao Đàn trước khi trời tối. Bởi trong đó có một ngôi mộ cổ không biết có tự bao giờ. Đứa nào tới tối còn nhấn nhá ở đó là có cơ bị ma giấu. Đến lớn hơn xíu, tụi tôi lại tụm năm tụm ba vào buổi tối ra đó chơi những trò như ma lon hoặc cầu cơ... Giờ không còn thấy ai chơi nữa".

Nhưng thực tế, ngày nay ngôi mộ cổ đã được nhà nước công nhận "Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố". Lần mò tư liệu, ngôi mộ này của vợ chồng ông Lâm Tâm Lang. Ông Lâm Tâm Lang là ông cố của ông Lâm Quang Ky. Lâm Quang Ky chính là phó tướng của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Giai thoại còn kể rằng, trong lúc nghĩa quân lâm cảnh hiểm nghèo, Lâm Quang Ky đã đóng vai Nguyễn Trung Trực để cụ Nguyễn Trung Trực thoát thân tiếp tục lãnh đạo khởi nghĩa, còn bản thân ông Lâm Quang Ky bị Pháp bắt đi hành hình. 

Người dân biết chuyện, gọi ông là Lê Lai Kiên Giang. Còn cháu đời thứ 7 của Lâm Tâm Lang có ông Lâm Đình Phùng. Lâm Đình Phùng chính là tên thật của nhạc sĩ Lam Phương, nổi tiếng với những tình ca như "Kiếp nghèo", "Thành phố buồn"...

Cụ tổ của người anh hùng chống Pháp, sao có thể là "ma" được? Có làm "ma" cũng chỉ dọa quân thù chứ làm gì dọa tụi con nít ra đó chơi? Bởi thế, ông Quang Minh cũng kể thêm rằng: "Thực ra, cái thằng bị ma giấu là hôm đó trốn học đi chơi, bị má nó phát hiện. Sợ ăn đòn không dám về. Để má nó khỏi đánh đòn, nó bịa ra chuyện bị ma giấu để má nó xót, không đánh nữa". 

Đúng là thật khổ với mấy ông học trò "nhất quỷ nhì ma", đã chung mâm với ma còn sợ ma cái nỗi gì?

Dù sự thực thế nào, chuyện ma vẫn cứ lẩn khuất đâu đó trong đời sống hàng ngày. Nhưng, có chuyện ma là có sự sống. Chính người sống mới kể lại chuyện ma. 

Còn muốn gặp "ma" ở Sài Gòn, cứ đêm đêm ra đường thấy liền: ma men, ma tốc độ... Còn "ma nữ" cứ vào những điểm tệ nạn xã hội, chắc không thiếu.