Dân Việt

Sơn La: Khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên

Mùa Xuân - Tuệ Linh 12/11/2021 06:15 GMT+7
Những năm 1953 - 1954, khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) trở thành điểm dừng chân, đóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khu rừng vinh dự mang tên rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Clip: Người dân huyện Phù Yên nói về khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kí ức một thời hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Vào tháng 1/1954, các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ của quân đội ta, cùng các đoàn dân công hỏa tuyến đã hành quân trên tuyến Sơn La - Lai Châu. Nơi đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch, có nhiều căn cứ hậu cần quan trọng.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 2.

Những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) cùng Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nhọt luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ bến phà Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin đã trở thành những điểm đánh phá ác liệt của máy bay của giặc Pháp. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch và bộ đội ta đã giấu quân trong khu rừng bản Nhọt. Rừng xanh đã che chở, bảo vệ, giúp đỡ bộ đội, dân công hoả tuyến an toàn trên đường hành quân tiến về Điện Biên Phủ.

Thời kỳ đó, đồng bào các dân tộc Sơn La và huyện Phù Yên cuộc sống rất nghèo và khó khăn, nhưng đã đóng góp 2.700 tấn gạo cho bộ đội ăn no để đánh thắng giặc Pháp (riêng huyện Phù Yên đóng góp 640 tấn).

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 3.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) xanh ngút ngàn đến tận chân núi. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Bạc Văn Kinh, bản Nhọt 1, xã Gia Phù năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn không thể quên một thời gian khổ, bàn tay ông nhiều vết chai sạn, mái tóc bạc trắng, tay chống gậy đi chập chững từng bước, sau cái bắt tay.

Ông Kinh, kể: Thời đó, khó khăn lắm, người dân chúng tôi nghèo đói, thiếu muối, thiếu dầu... một hôm, tôi cùng 5 thanh niên trong bản đi giúp bộ đội đẩy những thùng dầu vào vị trí cất giấu. Tôi được các chú bộ đội cho một ít dầu, đựng vào ống tre, mang về thắp cho cái đèn sáng. Các chú bộ đội bảo mang về giữ gìn cẩn thận không gây ra cháy nhà đấy. Rồi chúng tôi còn được anh nuôi cho cơm ăn, chúng tôi vui lắm.

Với người dân Phù Yên, thời kỳ đó việc hành quân của đoàn quân cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được bảo mật vì nhiệm vụ chính trị của cách mạng Việt Nam. Người anh nuôi được ông Kinh nhắc đến là hình ảnh người chiến sĩ hậu cần - 'anh nuôi", hàng ngày chăm lo từng bữa ăn cho bộ đội.

Trong 67 năm qua, cánh rừng ở bản Nhọt, xã Gia Phù này vẫn bạt ngàn một màu xanh tươi - đó là bởi tình cảm yêu mến, thuỷ chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 4.

Ông Bạc Văn Kinh, bản Nhọt 1, xã Gia Phù kể cho người dân nghe về lịch sử rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tuệ Linh.

"Tôi kể lại cho con cháu nghe những sự tích về cánh rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhìn vào đó để người dân trong bản biết bảo vệ rừng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, sống tốt hơn; nguyện một đời tin theo Đảng, Bác Hồ...", ông Kinh bảo vậy.

Ngày nay, di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt được người dân yêu mến đặt tên ngắn gọn là "Rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp", hoặc là "Rừng ông Giáp". 

Dọc hai bên đường quốc lộ 37 đi qua khu rừng mọc lên những lán trại nghỉ chân dành cho du khách ở phương xa, như để mọi người tưởng nhớ đến một vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã từng nghỉ chân nơi đây để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu.

Tình yêu thương của người dân Phù Yên dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm, ấn tượng cách mạng Việt Nam để lại. Bà con chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng lên tượng đài kỉ niệm. 

Trong bao năm qua dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, lo toan, có lúc bão lũ, đói nghèo... Với nhiều cộng đồng anh em Mông, Thái, Mường, Kinh.... Dù trong khó khăn vất vả đó, bà con vẫn tin yêu, bảo vệ không phá đi cánh rừng đó để làm nương, rẫy.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 5.

Ông Đinh Văn Uẩn, bản Nhọt 1 trao đổi với PV Dân Việt về rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Đinh Văn Uẩn (sinh năm 1942) là một trong những người dân bản Nhọt 1, xã Gia Phù, được nhìn thấy đoàn quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhớ lại: Người dân xã Gia Phù nói riêng và huyện Phù Yên nói chung rất tự hào...Đồng lòng đảm bảo bí mật cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho cả một chiến dịch đi đến thắng lợi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lại phân chia nhau chăm sóc cánh rừng, không phá rừng làm nương, sống tốt đời đẹp đạo...

"Điều nhớ nhất với tôi là khi lên 12 tuổi, tôi dắt trâu đi chăn thả ở gần khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bây giờ, có một anh bộ đội chạy ra nhắc nhẹ tôi không được đi đến gần khu rừng đó. Hôm sau, tôi lại đi chăn trâu ở đó, gần trưa thì có anh nuôi mang cơm, thịt gói bằng lá sung rừng cho tôi ăn...".

Ông Uẩn mãi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Hòa bình lập lại, ông mới biết đó là khu rừng mà đoàn quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trú ẩn trước khi mở cuộc tấn công vào cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Dựng tượng đài, đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi lòng tạc dạ

Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử dân tộc, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nơi đóng quân là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 6.

Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã giao cho huyện Phù Yên xây dựng công trình, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù. Ảnh: Tuệ Linh.

Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt có tổng diện tích hơn 300 ha. Trong đó, công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt có quy mô diện tích 10,7 ha.

Đền thờ Đại tướng diện tích 150 m2; sân hành lễ và tổ chức lễ hội; cầu cảnh quan và hệ thống đường dẫn; Tổng diện tích xây dựng là 8.000 m2. Sau một thời gian giãn đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm này công trình đang dần hoàn thiện các hạng mục, quy mô, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2021.

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người dân Phù Yên - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Hữu Đông (áo trắng), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La cùng đoàn công tác thắp hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Mùa Xuân.

Hứa hẹn khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp rừng bản Nhọt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau về một di tích lịch sử ý nghĩa gắn với bảo môi trường sinh thái nơi mà đoàn quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dừng chân trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phát huy truyền thống cách mạng, người dân Phù Yên hôm nay luôn tự hào về khu rừng, cùng nhau chung tay thi đua lao động sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế. Người dân ở những xã, bản vùng cao không còn tái trồng cây thuốc phiện, truyền đạo trái phép, nghe theo kẻ xấu.... Từng bước đoàn kết xây dựng bản làng vùng Mường xanh, sạch, đẹp no ấm.