Điện Biên: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người Mường Phăng

Vinh Duy - Thu Hường Chủ nhật, ngày 19/09/2021 06:06 AM (GMT+7)
Đối với đồng bào các dân tộc nơi căn cứ địa cách mạng xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là một người thân trong gia đình. Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – "anh Văn" luôn trong trái tim người dân Mường Phăng.
Bình luận 0

Video: Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng.

Những hình ảnh về đại tướng, những lời căn dặn của người trong chuyến thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lần cuối vào năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004) vẫn luôn khắc sâu trong trái tim của mỗi người dân nơi đây và ai cũng lấy đó làm động lực để xây dựng, bảo vệ quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng   - Ảnh 2.

Hình ảnh năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm lại Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng nay thuộc TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) là địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Cùng với quần thể di tích chiến thắng Điện Biên, di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ luôn là "địa chỉ đỏ" thu hút du khách tìm về khi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên Phủ.

Các lán, trại khi xưa được bộ đội ta dựng lên bằng những vật liệu mộc mạc lấy trực tiếp từ cánh rừng Mường Phăng như: Tre, lá móc, lá gối. Đây cũng là cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biện Phủ khi đó.

Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch mảnh đất này được đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày  7/5/1954. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng   - Ảnh 4.

Ông Lò Văn Biên (bản Bua, xã Mường Phăng) lau chùi chiếc đài quay băng mầu đỏ. Chiếc đài mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho bố ông - ông Lò Văn Bóng. (Ảnh: Vinh Duy)

Bên hiên căn nhà sàn ở cuối bản Bua, xã Mường Phăng, mỗi ngày ông Lò Văn Biên nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng đều dành một khoảng thời gian nhất định để lau chùi sạch chiếc đài quay băng màu đỏ, một kỷ vật quý của gia đình. 

Đây là món quà mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng bố ông – người đã tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài kiêm liên lạc cho Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) Lò Văn Bóng trong chuyến thăm cuối cùng đại tướng lên Điện Biên vào năm 2004.

Nhớ lại những giây phút của chuyến thăm ấy, ông Lò Văn Biên cho biết: "Năm 2004, nhân dân cả xã Mường Phăng đến chờ từ lúc sáng sớm để nhìn thấy bác Giáp. Bác nói chuyện với nhân dân, đến bây giờ cũng tốt rồi, thế này thì tốt rồi nhưng mà nhân dân Mường Phăng phải làm sao, cố gắng làm sao đoàn kết, cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, bác nói thế....

"Bác lên bác cũng cho quà, quà cho ông Bóng thì là cái đài này, ông Bóng sướng lắm để cạnh người suốt ngày, đi ngủ thì nghe radio. Bây giờ ông mất rồi thì gia đình tôi vẫn giữ làm kỷ vật cái đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng", ông Biên kể tiếp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng   - Ảnh 5.

Anh Lò Văn Ánh (bản Phăng 2, xã Mường Phăng) bên bức ảnh khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi chụp chung hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần lên thăm lại Điện Biên cuối cùng năm 2004. Bức ảnh luôn được treo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà. (Ảnh: Thu Hường).

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm lại bà con nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng. 

Nghe tin đại tướng lên thăm, hàng chục nghìn người dân Mường Phăng và các xã lân cận trong vùng đã chờ sẵn từ sáng sớm tại cánh đồng Phiêng Ta Lét để đón đại tướng, người anh hùng của dân tộc.

Ông Lường Văn Nánh, người dân bản Phăng 1, xã Mường Phăng cho biết: Đối với cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng, giây phút đó luôn in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ đồng bào nơi đây. 

Những lời căn dặn của đại tướng rằng bà con Mường Phăng cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng say lao động, giữ gìn thật tốt khu di tích cho các thế hệ mai sau vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp thôn bản, trong những lời truyền dạy cho con cháu về sau.

Tại ngôi nhà của anh Lò Văn Ánh ở bản Phăng 2, xã Mường Phăng, bức ảnh khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi chụp chung hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần lên thăm lại Điện Biên cuối cùng năm 2004 luôn được treo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà. 

Anh Lò Văn Ánh, cháu ruột cụ Đôi cho biết: ngày đại tướng mất, cụ Đôi chỉ ôm bức ảnh rồi khóc nức nở. Trước khi mất, cụ cũng luôn dành nhiều thời gian dặn dò con cháu trong gia đình phải nỗ lực hết mình xây dựng quê hương Mường Phăng phát triển, bảo vệ nguyên vẹn khu di tích như những gì mà đại tướng đã kỳ vọng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng   - Ảnh 6.

Ngôi lán ở và làm việc đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn (xã Mường Phăng) vẫn được giữ nguyên vẹn qua từng năm tháng. Đây là nơi mà mỗi du khách lên thăm Điện Biên đều ghé qua. (Ảnh: Thu Hường).

Sau khi đại tướng qua đời, 3 ngôi trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Mường Phăng đều lần lượt được đổi tên thành Võ Nguyên Giáp như một lời tri ân tới vị đại tướng của lòng dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: với niềm vinh dự và vô cùng tự hào này nên trong những năm qua, tập thể cán bộ giáo viên và học sinh các nhà trường luôn ra sức, nỗ lực phấn đấu và đạt thành tích cao trong dạy và học, xứng danh với ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Riêng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp hiện đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, học sinh trong trường luôn được rèn dũa về truyền thống cách mạng của quê hương, nỗ lực học tập đạt nhiều thành tích cao trong kỳ thi các cấp.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh thì từ khi được đổi sang tên Trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cái trọng trách cũng rất lớn, các thầy cô trong trường cũng luôn cố gắng phấn đấu rèn dũa học sinh làm sao giữ được hình ảnh của nhà trường. 

Trong giảng dạy chúng tôi có những hoạt động lồng ghép trong giờ học cũng như ngoài giờ học để học sinh hiểu về truyền thống cách mạng của Mường Phăng cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ để từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào, tinh thần cách mạng của xã nhà và thêm kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng anh hùng của dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Anh Văn trong trái tim người Mường Phăng   - Ảnh 7.

Nhân dân xã Mường Phăng đồng lòng, quyết tâm xây dựng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng ngày càng phát triển đúng với kỳ vọng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – anh "Văn" trong trái tim người dân Mường Phăng. (Ảnh: Thu Hường),

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: khắc ghi lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tim, mỗi người dân Mường Phăng hôm nay đều nỗ lực không ngừng trong việc tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, bảo vệ phát huy giá trị lịch sử của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ về tiềm năng du lịch lịch sử.

Năm 2018 xã Mường Phăng đã được ông nhận đạt chuẩn nông thôn mới với diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Đời sống của nhân dân Mường Phăng không ngừng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng mở rộng giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. 

Điều đó thể hiện rõ nét sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong xã, quyết tâm xây dựng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng ngày càng phát triển.

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hôm nay vẫn được bao bọc bởi cánh rừng Mường Phăng xanh ngát như 67 năm về trước, ngôi lán ở và làm việc đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu rừng vẫn được bảo giữ nguyên vẹn qua từng năm tháng. 

Diện mạo bản làng, đời sống của người dân nơi căn cứ địa cách mạng có nhiều thay đổi, duy chỉ có điều không bao giờ thay đổi đó là tình cảm và hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – anh "Văn" trong trái tim người dân Mường Phăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem