Ngày đầu tháng 11, khi giãn cách xã hội giữa các địa phương khu vực phía Nam được nới lỏng, chúng tôi quyết định lên đường đến thăm Nhà máy Phân bón Bình Điền - Tây Ninh, sau khi nhận được đánh giá của một lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền (công ty mẹ): "Trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, Nhà máy Bình Điền - Tây Ninh là một điển hình trong các công ty thành viên đã nỗ lực triển khai "3 tại chỗ" tốt nhằm đảm bảo mục tiêu kép".
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà máy Bình Điền - Tây Ninh cho biết, nhà máy có 125 công nhân, bắt đầu triển khai mô hình "3 tại chỗ" từ ngày 18/7 .
"Nhà máy để mọi người làm đơn tự nguyện tham gia sản xuất "3 tại chỗ", người nào có hoàn cảnh riêng, không tham gia được thì làm đơn không tham gia.
Để công nhân an tâm làm việc "3 tại chỗ", nhà máy đã có những chính sách động viên, hỗ trợ bằng cách tăng lương thêm 20%. Ngoài ra, đối với những lao động không thực hiện "3 tại chỗ" cũng rất khó khăn, chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ riêng để giữ chân lực lượng lao động", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, chỉ có khoảng 50% công nhân đăng ký tham gia sản xuất "3 tại chỗ". Điều này cũng tạo thêm nhiều áp lực cho nhà máy trong việc duy trì sản xuất, đảm bảo đủ đơn hàng cho đối tác.
Để giải quyết những khó khăn này, ban lãnh đạo Nhà máy đã điều chỉnh giờ làm, tăng ca… nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp chủ động phòng chống dịch nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến các chi phí đều đội lên mạnh như: Chi phí ăn ở, điện nước, test Covid-19…
"Chúng tôi cảm thấy may mắn vì nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của đội ngũ công nhân lao động. Hãy thử hình dung, bạn đang ở nhà sáng đi làm đến chiều về với gia đình ăn uống, giao lưu bạn bè… Thế nhưng, khi thực hiện "3 tại chỗ", mọi sinh hoạt bị đảo lộn nên phải có sự ủng hộ của người lao động thì việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" mới thành công được", ông Tuấn nói.
Cùng với phương án sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", ban lãnh đạo Nhà máy Phân bón Bình Điền - Tây Ninh cũng triển khai việc tiếp cận nguồn vaccine để tiến hành tiêm ngừa Covid -19 cho cán bộ, người lao động.
Anh Thành - một công nhân của nhà máy phấn khởi: "Ban đầu khi quyết định đăng ký làm "3 tại chỗ" tôi cũng lo lắng lắm, lo nhiễm bệnh lúc làm việc. Nhưng thực tế khi làm rồi thì thấy trong nhà máy đều đảm bảo giãn cách, lao động chúng tôi được lo 4 bữa ăn/ngày và xét nghiệm Covid-19 hàng tuần nên 3 tháng trôi qua rất nhanh và cũng không có ca nào nhiễm bệnh. Chưa kể, mức lương cũng được tăng thêm 20% so với bình thường".
Có thể thấy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguyên liệu đầu vào của hầu hết các DN phân bón đều tăng giá mạnh do chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục bị đứt gãy, cộng với cước vận chuyển tăng cao,… khiến giá phân bón cũng vì thế mà tăng bất thường, theo chiều hướng biến động khó đoán định.
Trong bối cảnh đó, Bình Điền - Tây Ninh đã tìm mọi biện pháp tiết giảm chi phí, đồng thời tăng cường đổi mới công nghệ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm, qua đó hỗ trợ bà con nông dân bằng giá bán, tạo nên sự ổn định cần thiết.
"Dù giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng Bình Điền - Tây Ninh vẫn giữ ổn định về giá cả, đảm bảo cung ứng đủ lượng phân bón cho bà con nông dân khu vực miền Đông Nam Bộ", ông Tuấn nói.
Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 40 ngàn tấn/năm, ông Tuấn cho hay, nguyên liệu sản xuất chủ yếu của dây chuyền này là phân gà đã qua xử lý bằng công nghệ được nhập về từ Nhật Bản.
Với công nghệ sản xuất hiện đại, các sản phẩm phân bón hữu cơ do Bình Điền - Tây Ninh sản xuất hiện đang được thị trường đánh giá cao về chất lượng.
Nói về kết quả kinh doanh mà Nhà máy Bình Điền - Tây Ninh đạt được sau 10 tháng năm 2021, ông Tuấn chỉ ngắn ngọn, việc chủ động ứng phó và thích nghi với bối cảnh mới đầy khó khăn và thách thức, nhà máy đã đảm bảo tốt việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như cung ứng đủ sản phẩm cho thị trường.
"Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp tiếp tục có những bứt phá mới, khẳng định thương hiệu phân bón Đầu Trâu trên thị trường...", ông Tuấn khẳng định.
Nhà máy Bình Điền - Tây Ninh được xây dựng trên diện tích 3,2ha, với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng, được chia ra làm 2 giai đoạn với mục tiêu cung ứng sản phẩm phân bón chất lượng cho khu vực miền Đông Nam Bộ và xuất khẩu sang Campuchia.
Theo đó, giai đoạn 1 nhà máy được xây dựng trên diện tích 1,5ha, tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, mỗi năm cung ứng ra thị trường 50 ngàn tấn phân NPK dạng phức hợp, 2.000 tấn phân bón lá dạng nước - dạng bột và 1.000 tấn thuốc BVTV.
Đến giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung ứng ra thị trường 100 ngàn tấn sản phẩm các loại. Đồng thời, đưa dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, công suất 40 ngàn tấn năm vào hoạt động, cung ứng sản phẩm ra thị trường.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"