Clip: Đền Và ở thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, TX Sơn Tây (TP Hà Nội) là một trong những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của xứ Đoài xưa và Hà Nội hôm nay. Đền Và có hàng cây lim cổ thụ hàng ngàn năm tuổi bao quanh. Clip: Viết Niệm
Đền Và tọa lạc trên đồi Và thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Đền Và là một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng và cũng là một danh thắng của thủ đô được du khách trong nước và nước ngoài muốn tham quan, chiêm bái.
Trong những ngày đầu đầu đông giá lạnh, chúng tôi có dịp về thăm Đền Và ở thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, tọa lạc trên ngọn đồi rộng hơn 5,7ha, bao quanh là đồng ruộng và khu vực dân cư đã sinh sống từ nhiều đời.
Đền Và được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1964 và lễ hội Đền Và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016.
Nhắc đến Đền Và người dân sẽ nghĩ ngay đến rừng lim ngàn năm tuổi bao quanh đền. Rừng lim ở đây không chỉ là nhân chứng sống trải qua bao thăng trầm lịch sử mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân ở Sơn Tây nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.
Ông Chu Đức Nhân, chủ tế Đền Và, ủy viên Ban quản lý di tích phường Trung Hưng chậm rãi kể rằng, hiện bao quanh Đền Và có 242 cây lim xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo.
Trong số 242 cây lim tại Đền Và có 85 cây lim cổ thụ đã được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2016. Cùng với việc bảo vệ, gìn giữ Đền Và, người dân trong vùng coi rừng lim như một "báu vật" không thể đánh đổi.
"Hiện nay các cây di sản đều được đánh số và bảo vệ cẩn thận. Các chuyên gia Nhật Bản cũng từng sang Đền Và và thực hiện việc áp vòng vào để đo thì suy đoán rằng những cây lim già nhất tại đây cũng phải có niên đại tới gần 1.000 năm tuổi", ông Nhân nói.
Điều đặc biệt, theo ông Nhân, những gốc lim to, đường kính 1,5 m phải 2 đến 3 người ôm nằm "lộ thiên" ở ngay ven đường, lối vào đền nhưng không một ai dám cưa trộm cây hoặc xâm phạm dù chỉ là một cành củi nhỏ.
Từ bao đời nay, rừng cây lim cổ thụ vẫn đứng vững, xanh tốt, trường tồn cùng thời gian. Với người dân Sơn Tây, khu rừng lim ở đền thờ Đức Thánh Tản Viên còn có ý nghĩa tâm linh, họ coi đây là khu rừng thiêng luôn gìn giữ, bảo vệ.
Lớn lên ở gần Đền Và và cũng là người có nhiều kỷ niệm với ngôi đền, ông Chu Văn Sơn (ở phường Trung Hưng) bảo vệ ở Đền Và cho hay, trước đây, vào những buổi trưa hè nắng nóng, đám trẻ chăn trâu hay những người dân làm lụng vất vả ngoài đồng thường vào nghỉ ngơi bên những gốc lim cổ thụ, tránh nắng dưới những tán lá xum xuê.
Rừng lim tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái, tôn vinh thêm giá trị lịch sử của khu di tích cũng như Đền Và. Hiện nay, một số cây lim phần gốc và thân bị chết khô nhưng phần ngọn vẫn phát triển xanh tốt.
"Việc công nhận 85 cây lim là cây di sản không chỉ nhằm bảo vệ những cây cổ thụ quý hiếm mà còn là một hoạt động tích cực để tôn vinh những giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam. Rừng lim cổ ở Đền Và hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa tâm linh đối với gia đình tôi và những người dân ở nơi đây", ông Sơn chia sẻ.
Đền Và là một trong tứ cung của xứ Đoài, thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Theo ông Chu Đức Nhân ,chủ tế Đền Và, các bậc cao niên trong làng truyền tai nhau rằng, Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, có từ thời nhà Đường (thời kỳ Bắc thuộc), lúc ấy khu thờ khá nhỏ, nằm trên một quả đồi.
Ngôi đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó có lần trùng tu lớn vào năm 1884. Sau này, vua đến cầu nguyện thấy linh ứng nên sau đó đã cùng với dân quanh vùng góp công để xây dựng thêm nhà tiền tế 5 gian. Điều đặc biệt, 18 đời vua dưới các triều đại phong kiến Việt Nam đều phong sắc ở Đền Và, trong đó có 17 bản chính có dấu ấn.
Ngoài ra, một số tài liệu, sổ sách cũng ghi lại rằng, khu đồi ở Đền Và có hình dáng con rùa đang bơi về phía mặt trời mọc. Tường bao bọc được xây hai lớp, theo cách thức thượng thu hạ thách, chính giữ lèn đất. Trong dân gian lưu truyền rằng, đá ong xây tường được lấy ở đồi Vông, thôn Vân Gia.
Đền Và có bố cục dàn trải tương đối cân xứng theo trục, trên trục trung tâm phía trước sân đền có một bình phong tạo những hang hốc mang vẻ tự nhiên. Mặt ngoài của bình phong thờ ngũ hổ trong hang với trung tâm là hổ vàng, mặt sau của động này đắp hình "long cuốn thuỷ" dưới dạng tứ linh với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, được mùa và có người tài ra giúp dân giúp nước.
Đi qua một sân rộng khoảng 300 m2 có tường thấp bao quanh, đến "nghi môn" - cổng chính của đền. Tiếp đến là một khoảng sân rộng, được khuôn vuông bằng hệ thống công trình kiến trúc khép kín.
Liền sát nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác chuông và gác trống, rồi đến hai dãy tả mạc, hữu mạc, nhà kho, phía sau tả hữu mạc mỗi bên đều có nhà tạo soạn và là nơi nghỉ tạm cho khách hành hương.
Nhà tiền tế (hay tiền bái) năm gian nằm song song với nghi môn ở phía cuối sân, hai đầu nhà tiền bái có tháp thiêu hương để hoá vàng mã sau khi cúng tế xong. Hậu cung hình chữ "công", cách tiền tế 1,2m, đầu nhà có bể nước và một gian nhà nhỏ để kiệu.
Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức xuân thu nhị kì và định kỳ ba năm một lần vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại Đền Và.
Một số hình ảnh phóng viên Báo điện tử Dân Việt ghi nhận tại Đền Và.