Đó là thông tin mà ông Nguyễn Hà Lộc - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho phóng viên Dân Việt được biết. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 16 đợt mưa lớn, 12 đợt lốc xoáy, 1 vụ lũ quét cùng 2 vụ sạt lở đất.
Những thiên tai trên đã khiến cho 2ha nhà kính, 18ha nhà lưới bị hư hỏng. Đặc biệt, khiến cho 2 người chết, 2 người bị thương.
Ông Nguyễn Hà Lộc cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 68 trạm đo mưa tự động dùng theo công nghệ của WATEC. Hệ thống cơ sở dữ liệu đo được tại các trạm này sẽ được chia sẻ đến các cấp quản lý và người dân để có thể truy cập, nhận thông tin về lượng mưa.
Bên cạnh, đó Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đang xây dựng hệ thống cảnh báo lũ thông minh. Hệ thống này ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa quan trắc, dự báo để người dân và các cấp quản lý ứng phó ngập lụt theo thời gian thực".
Tại huyện Lạc Dương, ghi nhận của phóng viên, có nhiều điểm sạt lở tại xã Đưng K'Nớ. Hai điểm sạt lở nguy hiểm nhất là phía sau UBND xã Đưng K'Nớ và phía sau căn nhà của ông Thân Ngọc Kiên (54 tuổi). Tại hai điểm trên, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa thể khắc phục.
Ông Bon Niêng Ha Dong - Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K'Nớ cho biết: "Cuối năm 2017, khi trụ sở mới được chuyển về thì tình trạng sạt lở đã xuất hiện. Vì vậy, hàng năm UBND huyện đã bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở. Địa điểm này liên tục bị sạt lở, khó khắc phục là do nền đất yếu, đất pha cát cùng với mạch nước ngầm rất nhiều. Vì vậy, đỉnh điểm vào tháng 8 hàng năm thì đều bị sạt lở với chiều rộng 50m, chiều dài khoảng 200m".
Trong khi đó, năm 2019, UBND huyện Lạc Dương đã có quyết định phê duyệt kinh phí 1,1 tỷ đồng nhằm khắc phục tình trạng sạt lở sau trụ sở UBND xã Đưng K’Nớ, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như an toàn của cán bộ, người dân khi đến làm việc.
Hiện nay, Công an tỉnh và Bị chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng luôn trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ ứng phó thiên tai, cứng cứu các sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cứu nạn, cứu hộ tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra và đưa người dân đến nơi an toàn.