Tại buổi chất vấn, trả lời câu hỏi của ĐHQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) về nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân đầu tư công và các dự án ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được rất nhiều cử chi, đại biểu Quốc hội quan tâm và đã được nhắc tới ở rất nhiều kỳ họp. Nhưng các vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp.
Về lý do giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chính là do phương pháp chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao, chủ yếu việc chuẩn bị phương án đầu tư chỉ mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ chương đầu tư thì các chủ đầu tư mới thực hiện một cách thực tế, lúc này lại mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh lại dự án.
Ngoài ra, những vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng vẫn gây khó khăn và chưa thể giải quyết ngay.
Theo Bộ trưởng Dũng, nếu các quy định, vướng mắc trong Luật đất đai không được giải quyết triệt để thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không thể giải quyết nhanh. Các phát sinh chủ yếu là giá đền bù đất, tranh chấp khi bàn giao, khiếu kiện, ý thức người dân…
Riêng năm 2021, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nhiều tháng. Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, chi phí đối ứng tăng cao… Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và trùng với nhiều sự kiện lớn.
"Để khắc phục tình trạng này thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu chính, bởi hiện nay, Bộ đã phân cấp phần lớn quyền quyết định về lựa chọn dự án giải ngân, tỷ lệ giải ngân, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn… về các bộ, ngành và địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bày tỏ đồng tình với quan điểm giải ngân đầu tư công chậm là do tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo ĐBQH Tạ Văn Hạ, có tình trạng điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ xây dựng kế hoạch thì thấy cần thiết nhưng nhiệm kỳ sau lại xin điều chỉnh.
"Luật đã quy định rõ, vậy chuyện tồn tại nhiều năm thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm gác cửa, tham mưu về lĩnh vực này có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục. Nếu cứ để vướng mắc tồn tại dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế", ông Hạ nói và đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp và trách nhiệm.
Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề không nằm ở luật pháp.
Ông Dũng nói: Vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ.
Do đó, theo Bộ trưởng Dũng một lần nữa nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công thấp "nằm ở tổ chức thực hiện". Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới", ông Dũng nói.
Về phản ánh của ĐBQH Trần Quang Minh - đoàn Quảng Bình về việc một số cử tri cho rằng, việc sử dụng vốn vay đầu tư phát triển đặc biệt là sử dụng vốn ODA tại một số nơi, một số dự án chưa hiệu quả, lãng phí. Thậm chí có nơi có biểu hiện vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, giải ngân dự án ODA rất thấp có nhiều nguyên nhân.
Ngoài những nguyên nhân chung, với các dự án ODA ngoài thực hiện các thủ tục trong nước còn phải thực hiện theo quy trình và thủ tục của nhà tài trợ - mất rất nhiều thời gian, khó khăn do giãn cách vì dịch bệnh. Kể cả điều chỉnh nhỏ như tên, diện tích dự án chúng ta vẫn cần một thỏa thuận nước ngoài. Chuyên gia và lao động đều phải thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan, chẳng hạn chuyên gia phải có giấy phép lao động và giấy xác nhận tư cách chuyên gia, vì vậy giải ngân các dự án ODA rất thấp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, một số dự án do triển khai lựa chọn thực hiện không tốt nên dẫn tới tình trạng lãng phí vốn. Trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng các Bộ ngành địa phương rà soát lại các dự án ODA để tháo gỡ giải quyết những ách tắc còn tồn tại.
"Riêng với các dự án không hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ bàn với nhà tài trợ đóng các dự án này lại, không để kéo dài, lãng phí", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.