Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp
Nguyễn Phương
Chủ nhật, ngày 26/09/2021 09:41 AM (GMT+7)
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra sáng nay (26/9), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đã và đang được Chính phủ và các Bộ ngành tích cực xem xét, giải quyết...
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã diễn ra sáng nay (26/9).
Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được hỗ trợ tới doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt trong hơn 1 tháng qua.
Về tình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được hỗ trợ tới doanh nghiệp.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta đã thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện khoảng 650 tỷ đồng, ước tính tổng giá trị 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng. Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ tính đến nay đã thực hiện khoảng 4 nghìn tỷ đồng.
Gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua vào ngày 24/9/2021, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này là trên 22 nghìn tỷ đồng.
Về hỗ trợ tín dụng: Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không... đều đang được các bộ, ngành triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.
Các địa phương cũng tiếp tục hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.
Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Chính sách hỗ trợ phải khẩn trương, đồng bộ...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và cơ quan thường trực của Tổ công tác, để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.
Tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ này đang khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.
Về phía các địa phương, ông Dũng cũng đề nghị, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: Những khó khăn, thách thức hiện nay có thể còn kéo dài hơn nữa. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ. Ông Dũng ví dụ như cộng đồng doanh nghiệp có thể chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm...
Doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, "chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng kỳ vọng: "Với tất cả những chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam nhất định sẽ sớm chiến thắng được dịch bệnh và doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng thay đổi, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu để bứt phá, tạo lập vị thế mới trước những thách thức toàn cầu đầy biến động và khó lường hiện nay".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.