Đầu tư công: Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Huyền Anh Thứ hai, ngày 25/10/2021 07:01 AM (GMT+7)
Báo cáo tới đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt 76% kế hoạch Quốc hội quyết định, không hoàn thành mục tiêu đặt ra (giải ngân 95%).
Bình luận 0

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Giải ngân đầu tư công không hoàn thành mục tiêu

Về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số vốn chi đầu tư phát triển năm 2021 được Quốc hội quyết định là 477.300 tỷ đồng và đã được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao là 461.300 tỷ đồng, đạt 96,6% kế hoạch.

Đến hết tháng 9/2021, các bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 434.226,088 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 8.797 tỷ đồng, bằng 4,3% kế hoạch.

Đầu tư công: Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm - Ảnh 1.

Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 76% kế hoạch Quốc hội quyết định, không hoàn thành mục tiêu đặt ra (giải ngân 95%). (Ảnh: T.A)

Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 dự kiến đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng) trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65%).

Có 04 Bộ, cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% bao gồm: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Thái Bình (79,72%), Thanh Hóa (77,66%), Hà Nam (72,9%), Văn phòng Quốc hội (71,44%), Nam Định (70,41%), Tiền Giang (67,96%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,31%), Hà Tĩnh (66,88%), Hưng Yên (65,5%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (63,71%), Hải Dương (61,91%), Long An (61,11%), Lâm Đồng (60,61%) và Thái Nguyên (60,02%).

36/50 Bộ, cơ quan trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó có 20 Bộ và 02 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% (trong đó, 03 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Ước giải ngân năm 2021 đạt 76% kế hoạch Quốc hội quyết định, không hoàn thành mục tiêu đặt ra (giải ngân 95%), trong đó vốn NSTW năm 2021 chỉ đạt khoảng 65,1% kế hoạch.

Còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Lý giải về nguyên nhân tiến độ phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan: Nguyên nhân lớn nhất là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, trải rộng trên hầu hết các tỉnh, thành phố, việc khống chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.

Công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc huy động chuyên gia, tư vấn, lao động, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng... chậm tiến độ triển khai dự án. Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,... tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

So với các dự án sử dụng vốn trong nước, các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn chịu tác động nặng nề hơn do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,...

Đối với vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vướng mắc trong khâu đấu thầu, chưa phê duyệt hợp đồng, chưa thống nhất với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu hoặc tính khả thi của nguồn vốn, vướng mắc trong thực hiện hợp đồng tư vấn nên chưa thể triển khai như dự án xây dựng trường Đại học Dược Hà Nội ngang tầm khu vực vay vốn Hàn Quốc, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay vốn ADB, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vay vốn WB,…

Đầu tư công: Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm - Ảnh 3.

Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm. (Ảnh: T.A)

Về chủ quan, một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các Bộ, địa phương.

Một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan trung ương, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ, xử lý dứt điểm như công tác giải phóng mặt bằng.

Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao. Năng lực trong triển khai thực hiện còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; phân bổ vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra.

Hơn nữa, trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...

Đối với công tác giải ngân vốn, các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng. Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Có chế tài với người đứng đầu trong việc giải ngân chậm

Về các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm theo tinh thần Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện ngay việc cắt giảm vốn các dự án giải ngân dưới 60% (không đợi đề xuất cắt giảm của Bộ, ngành, địa phương), ưu tiên điều chuyển vốn cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ; bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn cần bảo đảm tính hợp lý, khả thi, không gây sức ép giải ngân bằng mọi giá, dẫn đến không bảo đảm chất lượng dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư.

Đối với những dự án tiến độ giải ngân thấp, khẩn trương điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng thiếu vốn; đồng thời có chế tài với người đứng đầu trong việc giải ngân chậm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem