14 ngày dương tính, không một cuộc điện thoại
Chị Phạm Thị Lan, tổ 12, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP.HCM) dù đã khỏe mạnh sau 14 ngày tự cách ly nhưng vẫn không nguôi cảm giác bức xúc suốt 3 tuần qua.
Gia đình chị có 3 người lớn và 2 trẻ em. Khi tự test nhanh, 3 người lớn đều dương tính. Vì sợ lây bệnh cho người khác, chị gọi điện thoại báo cáo theo đúng thủ tục.
Suốt 14 ngày tự cách ly, gia đình chị tự lực cánh sinh. Chị Lan tự theo dõi sức khỏe, tự đo nồng độ oxy máu, tự test nhanh. Việc chờ đợi bác sĩ hay nhân viên y tế liên hệ hỏi thăm, tư vấn là vô vọng.
May mắn, chị chỉ bị mất khứu giác và không ai bị chuyển nặng. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc, chị Lan mới gặp được nhân viên y tế. Người này lấy thông tin và đề nghị người nhà chị ra trạm y tế lấy túi thuốc A-B.
Để nhận được giấy xác nhận F0 đã hoàn thành tự cách ly, chị Lan phải đến trạm y tế làm lại xét nghiệm. Theo chị Lan, điều mà chị và các F0 trông đợi, là được quan tâm theo dõi, phòng ngừa khi trở nặng nhưng thực tế của gia đình chị lại hoàn toàn trái ngược.
Ông Phạm Văn Được, Trưởng trạm Y tế phường Thạnh Lộc, quận 12 thừa nhận có thực trạng như vậy và cho biết thêm, trạm chỉ có 4 nhân viên phải theo dõi gần 1.000 F0 trên địa bàn. Nếu không thể xuống được nhà F0, nhân viên trạm sẽ tư vấn qua điện thoại.
Để cung cấp thuốc cho F0, Trạm y tế phường Thạnh Lộc sẽ gửi thuốc cho đại diện khu phố, tổ dân phố. Nếu trong gia đình F0 có người âm tính, người này sẽ lên trạm nhận túi thuốc điều trị Covid-19.
"Với địa bàn có cả ngàn ca bệnh, trạm y tế chỉ có 4 người thì rất khó. Đến hôm qua, phường mới được bổ sung thêm trạm y tế lưu động để hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà", Trạm trưởng Trạm y tế phường Thạnh Lộc, quận 12 chia sẻ.
Tại Trạm y tế phường Hiệp Thành (quận 12) có rất đông F0 là những công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính tại nơi làm việc hoặc người dân tự xét nghiệm nhanh dương tính tại nhà. Họ đến đây để được xét nghiệm lại, xin giấy cam kết, giấy chứng nhận cách ly tại nhà và cấp túi thuốc. Dù số lượng F0 đổ về mỗi lúc một đông nhưng tại trạm y tế này chỉ có khoảng 3 - 4 nhân viên y tế giải quyết vì một nửa nhân lực phải chia ra để đến nhiều điểm dịch cộng đồng lấy mẫu xét nghiệm nhanh.
Lực lượng mỏng, gánh nhiều việc
Theo bác sĩ Bùi Thị Thủy, Trưởng Trạm y tế xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, quy trình của trạm y tế là hẹn với bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ đến vào các ngày thứ hai, tư và sáu hằng tuần để xét nghiệm và cấp phát thuốc. Nếu gia đình tự làm test nhanh, có người nghi ngờ dương tính thì sẽ được hướng dẫn tự ra trạm y tế để test lại. Đối với trường hợp đã có giấy xét nghiệm thì lấy đó làm căn cứ để cấp phát túi thuốc.
"Qua điện thoại, chúng tôi tư vấn cho F0 đi thẳng một đường tới trạm y tế, tuân thủ nguyên tắc 5K. Không chỉ riêng xã Nhơn Đức, 6 xã còn lại của huyện Nhà Bè cũng làm theo quy trình này. Bây giờ trạm y tế lưu động không còn, số ca nhiễm ngày càng cao, lực lượng y tế của trạm không có khả năng đến nhà nữa rồi", bác sĩ Thủy nói.
Phường Hiệp Thành là 1 trong 11 phường của quận 12 ghi nhận tổng ca Covid-19 nhiều nhất, với 3.983 ca (theo dữ liệu bản đồ Covid-19 TP.HCM trưa 11/11). BS.CKI Trần Thị Phụng - trưởng Trạm y tế phường chia sẻ, trạm gặp rất nhiều khó khăn, áp lực khi nhân lực tại trạm rất mỏng với 14 người (8 nhân viên y tế, 6 tình nguyện viên) trong khi dân số của phường trên 110.000 người.
Hiện phường Hiệp Thành có 16 điểm nóng dịch, nằm rải đều ở hầu hết các khu phố. Để ứng phó số lượng F0 trên địa bàn phường tăng cao trong khi nhân lực thiếu, những ngày qua trạm có phát thông báo tiếp nhận những F0 tự phát hiện hoặc có kết quả dương tính tại nơi làm việc đến trạm để nhận giấy xác nhận, bản cam kết cách ly tại nhà, nhận túi thuốc.
Theo bác sĩ Phụng, đây là phương án bất đắc dĩ, tình huống "chữa cháy" trong thời gian chờ bổ sung trạm y tế lưu động.
Đại diện Trạm y tế Bình Hưng Hòa cho biết với số lượng ca nhiễm cao, việc xét nghiệm khẳng định và cấp phát túi thuốc cho F0 có đôi lúc bị chậm trễ. Trước kia có trạm y tế lưu động F0 sẽ được chăm sóc tận nhà, nhưng nay khi trạm y tế lưu động rút thì nhân lực trạm chỉ còn 4 - 5 người.
"Nhân viên y tế chỉ có 4 - 5 người, trong khi đó số dân trên địa bàn phường là 101.000 người. Bên cạnh đó, chúng tôi vừa phải làm công tác tiêm ngừa, khám nghĩa vụ quân sự... chứ không chỉ riêng công tác chăm sóc F0", đại diện trạm y tế nói.
Trước thực trạng này, Sở Y tế TP.HCM vừa ra văn bản chấn chỉnh công tác chăm sóc F0 tại nhà. Trong đó yêu cầu trong vòng 24 giờ tiếp nhận, F0 phải được cấp túi thuốc điều trị Covid-19.
Đồng thời, tất cả trạm y tế phường xã và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân. Đặc biệt là tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà cho F0.
Sở Y tế cũng yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân, đơn vị nếu người dân không liên hệ được số điện thoại đường dây nóng, không được cấp phát túi thuốc, hoặc túi thuốc không đúng thành phần.
Thực tế trước đây, F0 tại nhà được theo dõi bởi trạm y tế lưu động và y tế phường xã. Khi dịch bệnh tại TP.HCM được kiểm soát, lực lượng quân y rút quân dần, các trạm y tế lưu động giảm hẳn.
Sở Y tế đã khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động và các tổ phản ứng nhanh. Trong ngày 9/11, 33 trạm được thiết lập, tăng cường các bác sĩ của địa phương thay cho bác sĩ quân y. Trước đó, 40 trạm được bổ sung tại huyện Hóc Môn.
(còn nữa)