TP.HCM: Người dân chủ quan sau khi tiêm 2 mũi vaccine, số ca nhiễm Covid -19 tăng

Bạch Dương Thứ năm, ngày 11/11/2021 18:58 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 11/11, lãnh đạo các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Sở Y tế TP.HCM đã phân tích nguyên nhân số ca mắc gia tăng cũng như số ca tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19.
Bình luận 0
TP.HCM: Người dân có tâm lý chủ quan sau khi tiêm 2 mũi vaccine - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn. Ảnh: B.D

Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, hiện huyện đang ở cấp độ 2, tuy nhiên những ngày gần đây số ca F0 tăng hơn trước. Từ 5/11 – 9/11, trên địa bàn huyện có 543 ca, trong đó nguồn lây từ các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp chiếm 46%

Phân tích nguyên nhân số ca gia tăng, theo ông Nguyễn: Từ khi TP nới lỏng giãn cách, người dân lưu thông, tiếp xúc nhiều hơn, cùng với đó là tâm lý chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng đã tiêm 2 mũi vaccine thì không bị nhiễm.

Về con số gần 50% ca mắc là công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp, ông Nguyễn cho biết, chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. 

"Khi doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân, phát hiện dương tính thì yêu cầu công nhân về nhà, nhưng họ lại không thông báo cho địa phương về các ca này. 

Người nào tự giác thì họ đến cơ sở y tế khai báo, người nào không tự giác thì về nhà trọ, tiếp tục lây nhiễm cho người khác trong khi điều kiện các khu nhà trọ rất chật hẹp" - ông Nguyễn phân tích.

Để ngăn chặn các nguồn lây này, UBND huyện Nhà Bè đã làm việc với khu công nghiệp Hiệp Phước để thành lập các khu cách ly F0 tại khu công nghiệp, tổ chức trạm y tế lưu động tại đây và ký quy chế thực hiện khi phát hiện F0. 

Đối với khu công nghiệp Long Hậu, huyện cũng đã thống nhất về việc tổ chức đường dây nóng thông báo khi có F0, ký văn bản liên tịch phòng chống dịch giữa huyện Nhà Bè, huyện Cần Giuộc (Long An) và khu công nghiệp Long Hậu. Đồng thời, vận động các chủ nhà trọ giành 50% công suất phòng trọ làm khu cách ly.

Tại huyện Hóc Môn, theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện, từ 22/10 đến 28/10 số ca F0 xác định bằng xét nghiệm PCR là 346 ca; từ 29/10-4/11 là 342 ca. Mặc dù huyện được đánh giá ở cấp độ 2 nhưng thực hiện rà soát test nhanh hàng ngày vẫn phát hiện nhiều F0 mới. Hôm qua (10/11) đã phát hiện 466 ca trong cộng đồng, hộ gia đình.

Bà Châu cho biết, nguyên nhân gia tăng F0 do từ 1/10, khi TP mở cửa, mật độ tiếp xúc của người dân tăng cao, kèm theo đó là sự chủ quan, lơ là 5K của người dân. Hóc Môn là địa bàn giáp ranh nhiều khu công nghiệp, có nhiều khu nhà trọ của công nhân, khi công nhân quay trở lại làm việc, được xét nghiệm dương tính nhưng chủ doanh nghiệp không quản lý, để họ tự quay lại nhà trọ dẫn đến lây nhiễm lan nhanh.

Cùng với đó, trong thời gian đầu mở cửa, khi lực lượng quân y rút khỏi địa bàn, lực lượng phòng chống dịch tại chỗ quá mỏng nên không giám sát và quản lý hết được F0. Khó khăn thứ hai là huyện không có bệnh viện.

Chỉ có duy nhất Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, không có nhà nghỉ, khách sạn đủ điều kiện làm cơ sở cách ly, chỉ có thể trưng dụng các trường học làm khu cách ly. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, các khu cách ly này đang phải thu hẹp lại, trả lại cơ sở vật chất cho nhà trường.

TP.HCM: Người dân có tâm lý chủ quan sau khi tiêm 2 mũi vaccine - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu. Ảnh: B.D

Huyện đã xây dựng nhiều phương án, trong đó tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường, dự kiến sẽ vận hành vào tuần sau. Cùng với đó là khoanh vùng, xét nghiệm khu vực nguy cơ, trọng tâm, tăng cường tuyên truyền tiếp tục tiêm đủ vaccine, đặc biệt thực hiện nghiêm 5K đối với người dân tại 9/12 chợ truyền thống đã được hoạt động trở lại.

Cũng nhấn mạnh đến tâm lý chủ quan của người dân sau khi đã tiêm vaccine, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 3 ngày 11/11, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, phân tích trong 3 ngày qua, tình hình ca tử vong có những dấu hiệu đáng lo ngại. "Bắt đầu xuất hiện số trường hợp người dân đã tiêm 2 mũi nhưng vẫn tử vong. 100% trong số này là người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Có số trường hợp ở nhà tự chăm sóc đến khi quá nặng mới chuyển viện. Nhưng cũng có trường hợp nhập viện sớm, nhưng cũng ra đi", ông Đức nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, ngày 11/11 TP có 38 ca tử vong, trong đó 3 ca nặng từ các tỉnh chuyển lên TP, 34 ca có bệnh nền, không có trẻ em tử vong. Số tử vong do chưa tiêm vaccine là 20 ca, 2 ca tử vong sau khi tiêm 1 mũi và 10 ca tử vong sau khi tiêm đủ 2 mũi, đều là những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt là những người già bệnh nặng nằm một chỗ trong thời gian dài.

Hơn 92% trẻ 12-17 tuổi được tiêm vaccine

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiếm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, số trẻ 12-17 tuổi dự kiến tiêm vaccine là 701.820 trẻ, bao gồm trẻ đang đi học và trẻ không đi học. Tuy nhiên, khi thực hiện lấy ý kiến của phụ huynh thì chỉ có 665.449 người đồng thuận tiêm. Trong quá trình sàng lọc trước tiêm, có nhiều trẻ không đủ điều kiện hoặc trì hoãn tiêm vaccine, do đó, con số thực tế chỉ có 651.468 trẻ được tiêm, chiếm 92,8%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem