Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Hơn 50% trạm y tế không có trưởng trạm

Bạch Dương Thứ tư, ngày 10/11/2021 15:48 PM (GMT+7)
Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM về tình hình hoạt động y tế cơ sở chiều 10/11, lãnh đạo Sở Y tế TP thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém tồn tại lâu nay của các trạm y tế, trung tâm y tế.
Bình luận 0

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP cho biết, qua nhiều cuộc họp, đã có rất nhiều ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP về tầm quan trọng của tuyến y tế cơ sở nhưng việc đầu tư, quan tâm thời gian qua dù có nhưng chưa tương xứng. Câu hỏi đặt ra là thực trạng của y tế cơ sở hiện nay như thế nào và TP có đề xuất gì để cải tiến trong thời gian tới?

"Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP đã trực tiếp khảo sát tại trạm y tế phường 1 quận 3, phường 5 quận 3, xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh. Đây là các trạm y tế đặc thù của khu vực dân cư ít, dân cư đông và hợp tác công tư. Đoàn nhận thấy nếu y tế cơ sở không vững mạnh thì rất khó cho phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân", ông Bình nói.


Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Hơn 50% trạm y tế không có trưởng trạm - Ảnh 1.

Buổi khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM chiều 10/11. Ảnh: B.D

Tại buổi khảo sát, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, Sở đã có tờ trình về đề xuất cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Từ thực tiễn phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, 2 mũi giáp công hiệu quả nhất là điều trị tại bệnh viện và chăm sóc F0 tại cộng đồng, trong đó đặc biệt việc chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng đã giúp giảm số ca mắc mới.

"Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu của y tế cơ sở thành phố. Trước đây, TP luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát", ông Thượng thẳng thắn nhìn nhận.

Ông Thượng cho biết, hiện nay hơn 50% trạm y tế không có trưởng trạm, thực trạng này đã kéo dài từ lâu do thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm. Hiện nay tỷ lệ nhân viên y tế xã chỉ đạt 2,3 người/vạn dân, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội, có trạm y tế chỉ có 4, 5 người. Sở Y tế kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế từ 10 lên 20 biên chế.

Về cơ cấu chức danh nghề nghiệp, Sở Y tế kiến nghị ngoài 5 chức danh đã được quy định (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ) cần bổ sung thêm y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin.

Quan trọng hơn, ông Thượng nhấn mạnh đến các chính sách giữ chân và tăng cường nguồn lực cho các trạm y tế. "Trước giờ sinh viên y khoa tốt nghiệp không ai về thực hành, công tác tại trạm y tế. Có trường gửi sinh viên về thực hành thì cũng chỉ chọn các trung tâm y tế lớn chứ không về trạm", ông Thượng nói.

Vì thế, Sở đề xuất cho phép thí điểm thực hành 18 tháng để cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới tốt nghiệp. Theo đó, thay vì các bác sĩ mới tốt nghiệp phải đăng ký và chịu hoàn toàn chi phí thực hành 18 tháng tại các bệnh viện, Sở Y tế kiến nghị cho phép các bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở (trung tâm y tế và trạm y tế) sau đó thực hành 6 tháng tại các bệnh viện. 

Trong thời gian thực hành, các bác sĩ sẽ được thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt, mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Áp dụng tương tự cho điều dưỡng mới tốt nghiệp với thời gian thực hành là 9 tháng tại y tế cơ sở.

Về chính sách thu hút nguồn nhân lực đến công tác tại trạm y tế, Sở Y tế kiến nghị ngân sách TP hỗ trợ chi trả lương đối với hợp đồng lao động thay vì sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp, mức lương được xác định trên cơ sở căn cứ trình độ chuyên môn của người lao động để xếp lương theo quy định.


Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Hơn 50% trạm y tế không có trưởng trạm - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng tại buổi khảo sát. Ảnh: B.D

Kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với bác sĩ, nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác tại trạm y tế. Theo đó, đối với bác sĩ nghỉ hưu, mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu. Đối với nhân viên y tế khác nghỉ hưu, hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu. Đối với lực lượng tình nguyện viên (không có chuyên môn y tế), mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng bằng 1 lần mức lương tối thiểu vùng.

Nhấn mạnh đến chính sách giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại trạm y tế, ông Thượng chia sẻ: "Có những thời điểm tôi phải ký khá nhiều đơn xin nghỉ việc, trong đó có cả y bác sĩ của bệnh viện đến trung tâm y tế, trạm y tế. Vì các chế độ thu hút, hỗ trợ không còn phù hợp và không giữ chân được nhân viên y tế thuộc lĩnh vực dự phòng".

Vì thế, Sở Y tế kiến nghị hỗ trợ bác sĩ tại trạm y tế 5 triệu đồng/tháng; cử nhân đại học, y sĩ 4 triệu đồng/tháng; cao đẳng, trung cấp 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Sở Y tế đề xuất đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có 1 trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế). Đồng thời, chuyển trạm y tế phường, xã, thị trấn, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế trở về trực thuộc UBND quận, huyện…

Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đề xuất, để giữ chân y bác sĩ tại các trạm y tế, ngoài hỗ trợ về vật chất thì cần quan tâm đến cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, môi trường làm việc, nâng cao tay nghề của các y bác sĩ, đồng thời cho phép bác sĩ trạm y tế được khám chữa bệnh ngoài giờ…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem