Sáng 10/11, phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đợt dịch vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề lớn về an sinh khi hàng vạn lao động là công nhân chúng ta phải sống trong các nhà trọ có 10m2. Đã đến lúc không thể cạnh tranh thu hút đầu tư bằng lao động giá rẻ mãi được, mà cần cải thiện tiền lương, chính sách nhà ở cho công nhân".
Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) đã đặt câu hỏi vì sao hiện nay có rất nhiều quỹ kết dư, trong đó quỹ BHXH kết dư một triệu tỷ đồng nhưng không trích tiền để xây nhà cho công nhân. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, quỹ BHXH dù có hơn 900.000 tỷ đồng nhưng đây là quỹ để dùng trả lương hưu cho người lao động, tuyệt đối không thể dùng.
Ông Dung cho rằng, muốn xây dựng nhà ở cho công nhân chỉ có cách sử dụng ngân sách nhà nước và sử dụng nguồn xã hội hóa chứ không thể sử dụng nguồn quỹ từ quỹ BHXH được.
Bên lề nghị trường, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH từng cho biết, nâng cao kỹ năng nghề, năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Chỉ có như vậy mới xóa bỏ được hình ảnh về một đất nước có thương hiệu "lao động giá rẻ", từ đó nâng cao được thu nhập cho công nhân, lao động. Cải thiện được các vấn đề tồn tại như: Nhà ở; khu vui chơi; trường học cho con lao động.
Theo số liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Trong đó, hoàn thành xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ với tổng diện tích 2.700.000m2. Tính đến năm 2020 mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động khu công nghiệp (trong tổng khoảng 1,2 triệu người nhu cầu).
Trao đổi với PV Báo Dân Việt chiều ngày 13/11, ông Lê văn Nghĩa - Quyền Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đơn vị này đang thúc đẩy quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xây dựng nhà ở cho công nhân còn nhiều khó khăn.
"Lý do là bởi hiện nay Tổng liên đoàn tham gia với vai trò là người quản lý, doanh nghiệp là chủ đầu tư. Trong khi đó, DN của Tổng liên đoàn không có, phụ thuộc vào các DN đầu tư bên ngoài", ông Nghĩa nói.
Hiện nay Tổng liên đoàn đã kêu gọi được 8/17 nhà DN tham gia xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, thế nhưng quá trình thực hiện có khó khăn. Các DN sau khi hoàn tất bản vẽ thiết kế phải trình cho UBND các tỉnh xem xét, phê duyệt. Chỉ khi nào được chấp thuận thì dự án mới được triển khai. Đây chính là điểm mấu chốt khiến việc triển khai dự án chậm tiến độ.
Theo ông Nghĩa, trong cuộc họp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với Thủ tướng vào tháng 10 vừa qua, đơn vị này đã kiến nghị với Thủ tướng một số giải pháp nhằm thúc đẩy triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trong đó có kiến nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói (từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng) để xây dựng nhà cho công nhân thuê tại các địa phương đã bố trí được đất xây dựng thiết chế công đoàn, tập trung đông công nhân, lao động.
"Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị triển khai thí điểm cho thuê tại dự án thiết chế công đoàn thuộc tỉnh Hà Nam được Tổng Liên đoàn triển khai xây dựng từ năm 2018, hoàn thành năm 2020. Đến nay dự án đã hoàn thành công tác thi công, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 5 Block nhà ở với 244 căn hộ, 1 nhà đa năng, sân thể thao ngoài trời và hạ tầng kỹ thuật dự án từ nguồn vốn tài chính của Tổng Liên đoàn nhưng vẫn chưa thể cho thuê", ông Nghĩa cho biết thêm.