Châu Âu chiếm hơn một nửa số ca lây nhiễm trung bình và một nửa số ca tử vong trong 7 ngày trên toàn cầu, theo thống kê của Reuters, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái khi virus bùng phát tại Ý.
Các chính phủ lẫn công ty lo ngại đại dịch kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế. Được biết, các quốc gia bao gồm Hà Lan, Đức, Áo và Cộng hòa Séc đang thực hiện các biện pháp để hạn chế sự lây lan.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo giãn cách một phần trong ba tuần kể từ thứ Bảy (13/11), lần đầu tiên tại khu vực Tây Âu kể từ mùa hè. Rutte cho biết trong một bài phát biểu vào tối thứ Sáu (12/11): "Virus có ở khắp mọi nơi, chúng ta cần nêu cao cảnh giác".
Khoảng 65% dân số của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - bao gồm Liên minh châu Âu, Iceland, Liechtenstein và Na Uy - đã tiêm 2 liều vaccine, theo số liệu của EU, nhưng tốc độ đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Tỷ lệ tiêm phòng ở các nước Nam Âu là khoảng 80%, nhưng sự chần chừ, không dứt khoát đã cản trở việc triển khai tiêm chủng ở các nước Trung và Đông Âu lẫn Nga, dẫn đến các đợt bùng phát, gây ảnh hưởng đến hệ thống y tế.
Đức, Pháp và Hà Lan cũng ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm mới, cho thấy thách thức ngay cả đối với các chính phủ có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Mặc dù vậy, số ca nhập viện và tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với một năm trước. Bên cạnh đó, sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong việc tiêm chủng vaccine cũng như thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến khó có thể đưa ra kết luận cho toàn khu vực.
Một số nơi vẫn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp, điều này làm suy giảm khả năng miễn dịch ở những người được tiêm sớm. Ngoài ra, việc chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách trong mùa hè có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng trở lại, các nhà virus học và chuyên gia y tế công cộng nói với Reuters. Lawrence Young, một nhà virus học tại Trường Y Warwick ở Anh, cho biết: "Nếu có một điều để rút ra, đó là bạn không nên lơ là cảnh giác".
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến 7/11, châu Âu, bao gồm cả Nga, là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc mới tăng 7%, trong khi tại các khu vực khác, báo cáo ghi nhận xu hướng giảm hoặc ổn định. Tương tự, số người chết tại châu Âu tăng 10%, trong khi các khu vực khác báo cáo giảm.
Các biện pháp đối phó được thực hiện ở Hà Lan bao gồm đóng cửa sớm các nhà hàng và cửa hiệu, khán giả bị cấm tham gia các sự kiện thể thao.
Quyền Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết Đức sẽ bắt đầu triển khai lại các xét nghiệm Covid-19 miễn phí từ ngày 13/11. Một dự thảo luật ở Đức sẽ cho phép tiếp tục thực thi các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc trong không gian công cộng cho đến tháng 3 năm sau.
Thủ tướng Alexander Schallenberg cho biết vào ngày 14/11, Chính phủ Áo có thể sẽ quyết định áp đặt một lệnh cấm đối với những người không được tiêm chủng.
Các nhà khoa học cho biết, hầu hết các quốc gia EU đang triển khai tiêm bổ sung cho người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhưng việc mở rộng tiêm chủng cho nhiều người dân hơn nên được ưu tiên, chứ không phải giãn cách xã hội trên diện rộng.
Carlo Federico Perno, trưởng khoa vi sinh và chẩn đoán miễn dịch học tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Rome cho biết: "Điều cấp thiết thực sự là tăng số lượng người được tiêm chủng càng nhiều càng tốt".
Na Uy sẽ tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ ba cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời cung cấp cho các thành phố tùy chọn sử dụng "thẻ corona" kỹ thuật số, chính phủ nước này cho biết hôm 12/11. Na Uy cho đến nay mới chỉ tiêm liều thứ ba cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Từ 1/12, Ý cũng sẽ tiêm mũi thứ ba cho những người trên 40 tuổi.
Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, cho biết: "Sự bùng phát đại dịch có thể sẽ thay đổi quan điểm của EU".