Dân Việt

Chuyên gia khẳng định 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn trước loại dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc chữa này

Khánh Nguyên 16/11/2021 06:00 GMT+7
Khẳng định 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn với bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia súc.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở các ổ dịch nhỏ

Theo ghi nhận của các địa phương, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xuất hiện trở lại khi từ đầu tháng 10 đến nay, liên tiếp ghi nhận các ổ dịch mới.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2021, tỉnh này có 1.200 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 8 huyện, thành phố, tổng khối lượng buộc phải tiêu hủy trên 68 tấn.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 11, đã có 25 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị, thành phố đang có dịch tả lợn châu Phi.

Trong đó, tại huyện Cẩm Xuyên, có 8 xã đang có dịch tả lợn châu Phi, đã có 69 con lợn bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng trên 6.400kg.

Dịch tả lợn châu Phi: 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn  - Ảnh 1.

Lực lượng thú y Thừa Thiên - Huế phun tiêu độc khử trùng khu giết mổ lợn để phòng tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế

Từ đầu năm đến nay, có 100.000 con lợn buộc phải tiêu hủy vì nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, so với tổng đàn 28 triệu con lợn thì 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn.

Trong khi đó, tại huyện Can Lộc, đã có 25 hộ thuộc 10/18 xã, thị trấn của huyện đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với 194 con lợn bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 11,1 tấn.

Mới đây, ngày 4/11, Phòng NNPTNT huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cũng nhận được thông tin lợn ốm và chết tại một gia đình ở thị trấn Quy Đạt. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, đàn lợn được xác định nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Tại Quảng Trị, từ đầu tháng 11 đến nay, dịch tả lợn châu Phi cũng xuất hiện tại một số huyện, thị xã như Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị khiến 150 con lợn bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Đến nay, huyện Cam Lộ, Triệu Phong đã công bố dịch tại các xã xuất hiện ổ dịch.

Điều đáng nói, phần lớn các ổ dịch tả lợn xuất hiện trong thời gian gần đây chủ yếu ở quy mô nông hộ, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học chưa được đảm bảo.

Nâng cao chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Long khẳng định, dù thời gian gần đây xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi nhưng về cơ bản dịch vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, từ đầu năm đến nay có 100.000 con lợn buộc phải tiêu hủy vì nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

"Như vậy, so với tổng đàn 28 triệu con lợn thì 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn trước dịch tả lợn châu Phi" - ông Long khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Long, do đặc điểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi là virus lây lan nhanh, chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi tỷ trọng chăn nuôi nông hộ vẫn rất cao, phần lớn chưa đảm bảo an toàn sinh học, nhu cầu tiêu dùng cuối năm lớn khiến việc lưu thông, vận chuyển lợn để giết mổ tăng, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho virus phát triển nên nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới là rất cao.

Ông Long cho biết, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Chỉ thị 8477 về tập trung phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Long, dù hiện nay 99% tổng đàn lợn vẫn an toàn, các văn bản chỉ đạo của Bộ NNPTNT đã rõ ràng, các hướng dẫn chuyên môn phòng chống dịch bệnh rất cụ thể nhưng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ còn chiếm đa số, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

"Bà con phải thường xuyên rà soát điều kiện chuồng nuôi để đảm bảo dễ dàng vệ sinh, sát trùng tiêu độc; ngăn chặn chuồng nuôi khỏi sự tấn công của các đối tượng trung gian gây bệnh như chuột, ruồi, muỗi; con giống phải đảm bảo rõ nguồn gốc, tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh; lợn giống mua từ tỉnh khác phải có giấy kiểm dịch.

Tuyệt đối không cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi; nếu lợn có biểu hiện bị ốm, bệnh phải ngay lập tức báo cho lực lượng thú y, không bán chạy, giết mổ lợn nghi bị bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường vì virus phát tán nhanh và tồn tại rất lâu trong môi trường" - ông Long nhấn mạnh.