Doanh nghiệp triệu con heo ở Việt Nam lần đầu tiết lộ "vũ khí" đặc biệt chống dịch tả lợn châu Phi

Trần Quang Thứ năm, ngày 30/09/2021 14:06 PM (GMT+7)
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay có nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn lợn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh nên C.P coi giải pháp an toàn sinh học là vấn đề cốt lõi để chăn nuôi heo thành công.
Bình luận 0
"Ông Trùm" chăn nuôi heo Việt Nam tiết lộ "vũ khí" chống lại dịch bệnh - Ảnh 1.

Công nhân chăm sóc đàn heo giống tại Công ty CP Việt Nam. Ảnh: CP

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giải pháp an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi heo tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp trực tuyến: "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 30/9, ông Đoàn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý sức khỏe vật nuôi (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) cho hay: An toàn sinh học không phải là vấn đề của một cá nhân mà tất cả mọi người trong trang trại chăn nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt.

Theo ông Tuấn, về giải pháp an toàn sinh học trong trang trại chăn nuôi heo, C.P tập trung vào 5 lĩnh vực chính để kiểm soát vấn đề dịch bệnh.

Thứ nhất là vấn đề về chuồng trại, nguồn nước. Thứ 2 là vệ sinh phương tiện vận chuyển. Thứ 3 là kiểm soát vấn đề vật trung gian truyền bệnh. Thứ 4 là vấn đề con người. Thứ 5 là thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Thứ nhất là khâu chuồng trại. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng trang trại, C.P đã thiết kế khu nước sạch và nước bẩn.

Chuồng trại được thiết kế cổng để kiểm soát con người và các động vật khác tự do đi vào trong trang trại chăn nuôi.

"Ông Trùm" chăn nuôi heo Việt Nam tiết lộ "vũ khí" đặc biệt chống lại dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Khi có dịch tả lợn châu Phi, Công ty C.P đã thay đổi mô hình chăn nuôi chia thành các ô và mỗi ô đều có bể, thoát nước thải riêng đề phòng khi một ô nuôi có vấn đề sẽ kiểm soát được dịch bệnh ở các ô bên cạnh. Ảnh: C.P

Hiện tại tất cả các trang trại của C.P đều có nhà sát trùng và thực hiện phun thuốc sát trùng. Đối với người vào trại phải thực hiện phun sát trùng, tắm rửa sạch mới được vào khu vực chăn nuôi.

Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, C.P dùng vôi pha có độ pH nhất định để sát trùng tại ở khu vực hố tại cổng vào trang trại.

Tại kho cám thường tồn tại một số loại côn trùng (vật chủ trung gian truyền bệnh), C.P thiết kế hố vôi tại cửa kho để công nhân sát trùng ủng, giầy trước khi vào kho cám.

Hố vôi vào khu vực chuồng trại cũng được C.P thiết kế có độ sâu 5-10cm, độ pH đảm bảo. Đồng thời tại cửa chuồng, công ty cũng thiết kế các mùng che đảm bảo côn trùng không xâm nhập vào trang trại. 

Hiện, C.P đang chuyển đổi từ chuồng hở sang chuồng kín để đảm bảo không để côn trùng hoặc động vật xâm nhập vào trang trại chăn nuôi.

Trước khi có dịch tả lợn châu Phi, C.P thiết kế riêng lẻ từng ô nuôi và sử dụng bể tắm, chất thải chung. Tuy nhiên, khi có dịch, công ty đã thay đổi mô hình chăn nuôi chia thành các ô và mỗi ô đều có bể, thoát nước thải riêng đề phòng khi một ô nuôi có vấn đề thì C.P sẽ kiểm soát được dịch bệnh ở các ô bên cạnh. Bên cạnh đó, C.P cũng xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi rất hiện đại.

Đặc biệt khi có dịch tả, C.P còn thiết kế hố lăn vôi có độ sâu từ 5-10cm ở khu hành lang đi lại ở trong trang trại để sát trùng ủng cho công nhân.

Ngoài ra, C.P còn thiết kế lắp đặt hệ thống téc phun tự động để sát trùng ở trong chuồng và trước giàn mát.

Đối với khu vực bán heo, công ty đã sớm chuyển khu bán heo xa khu chăn nuôi đồng thời tại các khu này được thiết kế có hố lăn vôi sâu từ 5-10cm, độ pH đảm bảo được kiểm tra thường xuyên. 

Đối với nguồn nước, không sử dụng nước bề mặt (vì nguồn nước này có nguy cơ ô nhiễm và có mầm bệnh), luôn sử dụng nguồn nước sạch và được xử lý cẩn thận trước 2 giờ mới cung cấp cho heo trong trang trại uống.

"Chúng tôi ấy mẫu nước kiểm tra, xét nghiệm định kỳ 4 tháng 1 lần đảm bảo nguồn nước phục vụ đàn heo luôn sạch theo tiêu chuẩn cao nhất", ông Tuấn nói.

"Ông Trùm" chăn nuôi heo Việt Nam tiết lộ "vũ khí" đặc biệt chống lại dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 3.

C.P thành lập trung tâm bán heo, tại các cửa trung tâm đều có các hố vôi sát trùng, các xe vào đều được sát trung và cách ly xe riêng đảm bảo không lây lan nguồn bệnh. Ảnh: Chụp màn hình

Đối với xe vận chuyển, hiện tại C.P có 3 loại xe được vào trang trại đó là xe bắt heo; xe chở cám, thuốc; xe thăm trại. Công ty cho thành lập trung tâm rửa xe, các xe trước khi vào trại phải được rửa và sát trùng ở trung tâm để qua 24 tiếng. Sau đó xe được cấp chứng nhận khi đến cổng trại các bảo vệ sẽ kiểm tra và phun thuốc sát trùng chờ 30 phút mới được vào trang trại chăn nuôi.

Một số trang trại có xe nội bộ để chuyển heo đưa ra khu vực bán thay vì các xe bên ngoài đi vào trực tiếp các trại.

Còn cách sắp xếp công nhân khi bán heo của C.P cũng rất bài bản. Theo đó, công ty phân làm 4 nhóm công nhân chia thành 4 màu quần áo gồm vùng xanh lá cây, xanh da trời, da cam và vùng đỏ để di chuyển heo khi bán ra khỏi chuồng, tránh lây nhiễm nguồn bệnh.

Để an toàn,  các xe của khách hàng không được vào trong trang trại mà công ty sẽ sắp xếp xe nội bộ để chuyển heo ra bán.

Theo đó, C.P thành lập trung tâm bán heo, tại các cửa trung tâm đều có các hố vôi sát trùng, các xe vào đều được sát trung và cách ly xe riêng đảm bảo không lây lan nguồn bệnh. Đối với xe cám, thuốc thú y cũng đều phải trải qua các khâu vệ sinh và phun sát trùng trước khi vào trại.

Đối với các vật trung gian truyền bệnh, C.P tập trung vào 2 con vật chính là ruồi và chuột. Công ty đã xây dựng tường rào cao đảm bảo con người, động vật không tự do vào trang trại. Để ngăn chặn côn trùng như ruồi, C.P cũng thiết kế các mùng và téc phun khử trùng tại cửa chuồng, giàn mát. Đối với chuột, C.P dùng bẫy, thuốc diệt chuột.

Định kỳ, công ty cũng phun sát trùng xung quanh trang trại chăn nuôi. Đồng thời, CP cũng cấm các trang trại nuôi các động vật khác như heo rừng, chó...

"Ông Trùm" chăn nuôi heo Việt Nam tiết lộ "vũ khí" đặc biệt chống lại dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 4.

Công nhân được chia thành các nhóm để di chuyển heo khi bán ra khỏi chuồng. Ảnh: Chụp màn hình

Đối với người, trước khi vào trại, mọi người phải để vật dụng cá nhân như ví, điện thoại, máy ảnh... vào tủ UVC và chờ 30 phút mới được lấy. 

Đồng thời, người vào trại phải thực hiện các bước như sát trùng, tắm, gội đầu, thay quần áo của trại, sát trùng tay bằng cồn và ủng trại nhúng vào hố vôi. Mỗi bộ phận các công nhân đều có quần áo, bảo hộ theo quy định và màu sắc khác nhau.

Đối với vật dụng, công ty quy định để theo ô, các ô để các vật dụng như xi lanh, kim tiêm, dụng cụ vệ sinh... để riêng từng khu vực.

Riêng đối với xác động vật chết, C.P cấm bán ra ngoài và phải xử lý theo quy trình chôn hoặc đốt.

Đối với chất độn chuồng thì chỉ khi nào hết lứa lợn, công ty mới cho chuyển ra theo quy định, công nhân không được bán hoặc di chuyển ra bên ngoài.

Về thực phẩm, công ty không cho phép công nhân đưa thịt lợn, sản phẩm thịt lợn bên ngoài vào trang trại chăn nuôi. Bởi, đây có thể là nguyên nhân, truyền bệnh từ bên ngoài vào trang trại gây hại cho đàn heo.

Đánh giá mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi heo của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Mô hình của C.P thực hiện rất bài bản và hiệu quả.

Vừa qua, Trung tâm cũng phối hợp với C.P xây dựng 2 bộ tài liệu về ATSH trong trang trại và ATSH trong chăn nuôi nông hộ trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi rất chi tiết và dễ hiểu, dễ triển khai vào thực tế cho cán bộ khuyến nông tại các địa phương giúp, hướng dẫn bà con chăn nuôi an toàn và bền vững.












Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem