Giá lợn hơi giảm, cộng thêm dịch tả lợn châu Phi tái phát, người chăn nuôi khó chồng khó

Thứ năm, ngày 07/10/2021 14:07 PM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát trở lại, trong khi giá lợn hơi giảm sâu, ngành chăn nuôi phải tăng cường khả năng tự bảo vệ đàn vật nuôi trong các tháng cuối năm trong điều kiện dịch chồng dịch.

Sau 2 năm (2019 - 2020) dịch tả lợn châu Phi hoành hành, tỉnh Bình Phước đã phải tiêu hủy hơn 21.000 con. Tổng đàn lợn trong tỉnh sụt giảm khoảng 30%.

Chăn nuôi lợn thêm khó khi dịch tả lợn châu Phi tái phát

Khi đàn lợn trong tỉnh chưa kịp hồi phục thì ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến người chăn nuôi lợn ở Bình Phước chồng chất khó khăn. 

Mới đây, UBND TP.Đồng Xoài công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường Tiến Thành. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Bình Phước ghi nhận có 22 xã, phường, thị trấn đã xuất hiện trở lại dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 2.000 con, tương đương gần 11 tấn.

Nếu Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi lợn cả nước thì huyện Thống Nhất là trung tâm của thủ phủ này. Trước đây, huyện Thống Nhất có tổng đàn 1,8 triệu con. Sau ảnh hưởng của dịch bệnh trên vật nuôi lẫn dịch bệnh trên người, tổng đàn hiện chỉ còn 1,2 triệu con. 

Dù đã nỗ lực khống chế, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh Đồng Nai cũng đã phải tiêu hủy gần 1.000 con lợn. Dịch vẫn tiếp tục tái phát ở 4 huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Tân Phú và Định Quán.

Nguy cơ kép của chăn nuôi lợn - Ảnh 1.

Xử lý vệ sinh chuồng trại tại nông hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

"Tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng thú y các tuyến, người tham gia các chuỗi sản xuất là điều kiện đảm bảo chống dịch bệnh động vật, không đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm".

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Long An, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 28 hộ của 7 huyện, tiêu hủy gần 800 con lợn. Tuy nhiên, số lợn bị tiêu hủy thực tế nhiều hơn vì chưa được thống kê, báo cáo kịp thời.

Phòng NNPTNT huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) cho biết, dịch đã tái phát ở 6/13 xã, thị trấn của huyện, với 224 con lợn bị tiêu hủy. 

Ông Nguyễn Ngọc Văn là 1 trong 14 hộ trên địa bàn huyện Tân Thạnh có lợn vừa phải tiêu hủy. Năm 2019, đàn lợn của gia đình ông Văn đã một lần nhiễm dịch. Năm nay, đàn lợn mới gây lại được 22 con, trong đó có 3 con nái phải tiêu hủy. Gia đình ông lỗ hơn 100 triệu đồng.

Tình hình tiêu thụ và giá bán lợn vẫn chưa hết khó khăn thì dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát. "Khó khăn kép đang khiến người chăn nuôi lo ngại. Điều này ảnh hưởng đến việc tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới"- ông Văn nói.

Giữ an toàn chăn nuôi

Nhiều năm nuôi lợn, chưa bao giờ ông Trần Tâm (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) lại ngập ngừng trong việc tái đàn cho vụ tết như năm nay.

 Ông Tâm cho biết, nhờ tự sản xuất được con giống, thời điểm này năm ngoái ông đã thả nuôi gần 200 con. Năm nay, đắn đo mãi ông mới tái đàn, nhưng cũng chỉ nuôi 100 con.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có chưa đầy 400.000 con lợn. Ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát lại số lượng để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn phù hợp, nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), dịch tả lợn châu Phi hiện đã xảy ra tại gần 1.500 hộ chăn nuôi ở 50 tỉnh, thành. Số lợn buộc tiêu hủy hơn 93.260 con, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thu động vật, sản phẩm động vật sẽ tăng mạnh. Các loại dịch bệnh sẽ còn xảy ra với nguy cơ rất cao. 

Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương tăng cường kiểm soát, đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 Việc giữ an toàn cho các cơ sở giết mổ và hoạt động vận chuyển cũng có vai trò rất quan trọng trong lúc dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai, do các cơ sở giết mổ ở TP.HCM phải đóng cửa, công suất giết mổ ở Đồng Nai vẫn tăng suốt từ tháng 6 tới nay. 

Hiện tại, nhu cầu khách đặt hàng vẫn cao nhưng ở các lò giết mổ trên địa bàn Đồng Nai rất khó tăng công suất. Ngoài lý do nhiều cơ sở chưa hoạt động bình thường trở lại, một số cơ sở giết mổ vẫn đang thiếu lao động sản xuất, nhất là thiếu đội ngũ tài xế đảm bảo đủ điều kiện giao hàng trong mùa dịch Covid-19.

Nguyễn Vy
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem