Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, doanh thu của Thế giới Di động bất chấp dịch bệnh tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 10 tháng. So với tháng 9, doanh thu tháng 10 của đế chế bán lẻ này tăng 45%.
Thế giới Di động cho biết, kết quả này nhờ phần lớn cửa hàng được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu của Thế giới Di động đạt khoảng 98.800 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch năm. Năm 2021, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 10 còn ghi dấu với chương trình chào bán thành công sản phẩm Iphone13 series và sự kiện ra mắt chuỗi Topzone.
Sau 10 ngày khai trương, 4 cửa hàng Topzone đóng góp 40 tỷ doanh thu (1 tỷ đồng/cửa hàng/ngày). Sản lượng Iphone 13 series bán ra tại Topzone chiếm gần 10% tổng số Iphone13 series bán ra trên toàn hệ thống TGDĐ/ĐMX. Được biết, Thế giới Di động đã đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị phần bán lẻ sản phẩm Apple với kế hoạch mở từ 50 cửa hàng TopZone từ nay đến hết tháng 3/2022.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động vẫn mang về nguồn thu lớn cho trong 10 tháng đầu năm, ông chủ Nguyễn Đức Tài của chuỗi bán lẻ này cũng không ngừng "dọn đường" cho những tham vọng mới.
Trong thông báo mới đây của Thế giới Di động, doanh nghiệp này đang mạnh tay sắp xếp, thay đổi chủ sở hữu và nâng vốn điều lệ, thành lập mới công ty.
Theo đó, Thế giới Di động quyết định chuyển đổi chủ sở hữu Công ty TNHH Dịch vụ lắp đặt và bảo hành Hạnh Tâm, Công ty 4K FARM (sản xuất nông nghiệp sạch) về Công ty mẹ.
Trong đó, Thế giới Di động sẽ sở hữu 99,999% vốn tại Công ty 4K FARM, còn lại là ông Nguyễn Đức Tài và ông Cao Nhật Anh Tú (CEO của 4K FARM).
Ông chủ của Thế giới Di động cũng quyết định tái cấu trúc Công ty An Khang – công ty đang sở hữu chuỗi nhà thuốc theo hướng bán toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cho Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh.
Đồng thời, quyết định thành lập mới công ty kinh doanh kho, bãi, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics (vốn điều lệ 100 tỷ đồng).
Thế giới Di động cho biết, việc thành lập này nhằm tối ưu hoạt động quản lý và vận hành hệ thống kho bãi, hoạt động vận tải, giao hàng giữa kho tổng và các cửa hàng. Ngoài ra, còn mở rộng cung cấp dịch vụ logistic cho các đối tác bên ngoài cũng như tạo cơ hội huy động vốn trong tương lai. Được biết, chi phí logistic tăng cao và đang trở thành gánh nặng của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.
Chưa hết, Thế giới Di động còn tiếp tục tăng vốn điều lệ cho Bách Hóa Xanh thêm 3.200 tỷ đồng và Thế giới Di động thêm 800 tỷ đồng để mở rộng phát triển kinh doanh.
Việc thành lập mới 1 công ty và nâng vốn điều lệ 2 công ty khác có tổng trị giá 4.100 tỷ đồng là những quyết định bất ngờ với nhà đầu tư, bởi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan", buộc phải thu hẹp quy mô vì đại dịch.
Cùng với việc cơ cấu lại Tập đoàn, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa diễn ra tuần qua, lãnh đạo của Thế giới Di động còn tiết lộ thông tin cho biết, công ty này sẽ dấn thân vào mảng kinh doanh mới đó là bán lẻ thời trang và đồ thể thao và theo dự kiến có thể ra mắt thử nghiệm trong tháng 12 này.
Theo Thế giới Di động, thời trang là mảng bán lẻ lớn, đặc biệt xuất hiện nhiều khoảng trống sau dịch bệnh.
Báo cáo từ Virac cho thấy, doanh thu thị trường thời trang Việt Nam năm 2020 có giảm do nhu cầu chi tiêu giảm, tuy nhiên mức giảm dừng lại ở mức 10% so với năm 2019. Trong đó, quần áo vẫn đóng góp doanh thu lớn với hơn 50% trong tổng doanh thu toàn ngành.
Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng trở lên khốc liệt bởi sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài. Tính đến cuối năm 2020, có đến hơn 200 thương hiệu nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam, và các thương hiệu quốc tế lớn như H&M, Zara, Uniqlo… đang chiếm ưu thế. Điều này đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn – theo báo cáo của Virac.
Hơn nữa, thế mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài so với các doanh nghiệp trong nước là vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp, hệ thống chuỗi xuyên quốc gia,… Do đó, nếu không có chiến lược phát triển hợp lý, các doanh nghiệp nhảy vào mảng thời trang rất dễ "chết yểu".
Thực tế, trong vài năm trở lại đây, Thế giới Di động cũng đã không ít lần lấn sân sang các mảng kinh doanh mới nhưng không phải tất cả đều mang lại thành công.
Nhiều mô hình kinh doanh bị khai tử chỉ sau một thời gian thử nghiệm. Đơn cử như việc đóng cửa Vuivui.com - trang thương mại điện tử được Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài cho ra mắt vào tháng 12/2016 với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm cũng là một trong số đó.
Hay như vào cuối tháng 6/2019, nhận thấy thị trường giàu tiềm năng, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt. Đến tháng 3/2020, sau 9 tháng ra mắt, Thế giới Di động quyết định ngừng bán mặt hàng này. Tương tự, Thế giới Di động cũng đã đóng lại chuỗi cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ vào tháng 7/2020.
Chia sẻ vào dịp công ty kỷ niệm 15 năm thành lập, Chủ tịch HĐQT và đồng sáng lập Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận, trong suốt 15 năm phát triển, chuỗi này không ngừng thực hiện quy tắc "thử và sai" để tìm ra bài toán tốt nhất cho công việc kinh doanh.
Liệu quyết định thử nghiệm với bán lẻ thời trang có phải là một phép "thử và sai" giống như không ít phép thử mà đế chế bán lẻ này đã thực hiện trước đó hay không?