Theo dự kiến, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm thứ ba qua video vào tối 15/11( theo múi giờ Mỹ), tức sáng sớm thứ Ba 16/11 ở Bắc Kinh. Hai lần trao đổi trước được thực hiện qua điện thoại.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, nhân quyền và Biển Đông.
Trước đó, cuộc gặp, cuộc điện đàm đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung được tổ chức vào tháng 2 và tháng 9 trong bối cảnh có những dự báo về một cuộc chiến tranh lạnh mới khi Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng khả năng quân sự và kinh tế của mình.
Gần đây, mối căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới ngày càng gia tăng. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một số chuyến bay kỷ lục qua eo biển Đài Loan trong những tháng gần đây và căng thẳng thương mại vẫn không giảm bớt. Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, mặc dù nhỏ hơn của Mỹ, nhưng cũng đang tăng tốc để bắt kịp Mỹ.
Tuần trước, một phái đoàn quốc hội Mỹ đã đến Đài Loan trên một chiếc máy bay quân sự của Mỹ, một chuyến đi đã nhanh chóng bị Bộ quốc phòng Trung Quốc lên án; Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.
Trong khi đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu gần eo biển Đài Loan. Đài Loan trong suốt thời gian dài luôn nhận được sự ủng hộ của Mỹ về quyền tự quyết của hòn đảo.Chính sự giúp sức của Mỹ đối với Đài Loan đã đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên đỉnh điểm và giới quan sát bắt đầu lo ngại nếu hai bên không tìm kiếm sự cạnh tranh hiện quả và các biện pháp giảm thiểu rủi ro để tránh xảy ra xung đột.
Phía Mỹ khẳng định, Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự quyết đoán, tăng tốc xây dựng quân đội, cũng như tăng sức mạnh kinh tế, những điều này là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Đó cũng là lý do Mỹ đang tìm kiếm những đối tác trên toàn thế giới và hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và ổn định kinh tế.
Bà Patricia Kim -chuyên gia về mối quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Brookings bình luận rằng: "Mặc dù cho đến nay, chính quyền Biden đã rất thành công trên mặt trận xây dựng liên minh, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy việc thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững với Trung Quốc, phần lớn là do Bắc Kinh phản đối khuôn khổ đề xuất của chính quyền Biden".
Trong một lá thư gửi tới Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung trong tuần này, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng làm việc với Mỹ. "Ngay bây giờ, mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng. Cả hai nước sẽ được lợi từ sự hợp tác và mất đi khi đối đầu", ông Tập Cận Bình nói trong lá thư gửi cho tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trong bối cảnh cả hai ngày càng công nhận sự cần thiết phải tăng cường can dự ngoại giao để ngăn chặn một cuộc đụng độ thảm khốc có thể xảy ra.
"Người Trung Quốc sẽ tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ. Họ thực sự không thích cách mô tả mối quan hệ kiểu "cạnh tranh, đối đầu và hợp tác" này ", Carla Freeman, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ đánh giá.
Những tháng gần đây, cả hai nước đã đưa ra một số dấu hiệu cố gắng làm tan băng trong các lĩnh vực của mối quan hệ song phương, bao gồm việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10 và một thỏa thuận do Bộ Tư pháp Mỹ làm trung gian dẫn đến việc trả tự do cho giám đốc điều hành Huawei Meng Wanzhou, người đã bị bắt ở Canada vào tháng 12 năm 2018 theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ dựa trên các cáo buộc gian lận.
Ngày 10/11 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đưa ra một tuyên bố chung bất ngờ trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, cam kết sẽ hành động hơn nữa để làm chậm sự nóng lên toàn cầu trong thập kỷ này và giảm lượng khí mê-tan và khí thải carbon. Tuyên bố từ hai quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới tuy ngắn gọn về các chi tiết cụ thể nhưng được coi là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự sẵn sàng hợp tác của Bắc Kinh và Washington trong việc giải quyết những thách thức chung.
"Tôi sẽ coi hội nghị thượng đỉnh sắp tới là một thành công nếu các bên có thể cùng nhau khẳng định rằng không bên nào tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc chiến tranh lạnh mới và họ đang trao quyền cho các quan chức ở các cấp để tạo nền tảng cho sự cạnh tranh có trách nhiệm, bao gồm cả việc cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách như quản lý khủng hoảng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu", chuyên gia Patricia Kim cho biết.