Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 14:00 PM (GMT+7)
Sáu tháng trước đây, bốn bên này đã tiến hành cuộc gặp gỡ cấp cao trực tuyến. Bây giờ, tổng thống Mỹ Joe Biden mời thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và thủ tướng Australia Scott Morisson sang Mỹ.
Dư âm về thoả thuận giữa Mỹ, Anh và Australia về liên minh an ninh tay ba (AUKUS) vẫn còn chưa lắng dịu trên thế giới thì dư luận lại dồn sự quan tâm để ý đến sự kiện mới tác động còn sâu rộng hơn và trực tiếp hơn AUKUS đến tương lai của khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên của cái gọi là Bộ Tứ kim cương.
Bốn bên này là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Sáu tháng trước đây, bốn bên này đã tiến hành cuộc gặp gỡ cấp cao trực tuyến. Bây giờ, tổng thống Mỹ Joe Biden mời thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và thủ tướng Australia Scott Morisson sang Mỹ.
Ngoại giao cấp cao trực tiếp nhiều bên ở thời buổi dịch dã vẫn hoành hành dữ dội trên thế giới vốn hiếm hoi và vì thế có được ý nghĩa và tầm quan trọng thêm nổi bật. So với thời điểm cách đây nửa năm, bối cảnh tình hình chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ mới và khác trên có một vài phương diện. Mỹ và các đồng minh rút hết quân lính ra khỏi Afghanistan và Taliban trở lại cầm quyền ở đó.
AUKUS đã được ký kết với nội dung được chú ý đến nhiều nhất là Australia sẽ có tầu ngầm hạt nhân. Triều Tiên lại phóng tên lửa và thử nghiệm chủng loại tên lửa mới. Ở Nhật Bản, ông Suga sẽ rời nhiệm sở nhường vị trí thủ tướng cho cựu bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida.
Sau Anh, cả Trung Quốc và Đài Loan đều lần lượt xin tham gia Hiệp ước về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bối cảnh tình hình chung như thế không buộc Bộ Tứ này phải đưa ra định hướng hành động mới mà vẫn chỉ cần tiếp tục những gì đã được trao đổi và nhất trí với nhau cho đến nay.
Điều này thể hiện rất rõ trong tuyên bố chung về sự kiện. Những nội dung chính trong đấy về bản chất không có gì mới. Đối phó dịch bệnh và bảo vệ khí hậu trái đất vẫn được quan tâm hàng đầu. Những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng, trụ cột và tiêu chí cho việc cấu trúc khu vực lớn này trên mọi phương diện được nhắc lại: khu vực tự do và rộng mở, trật tự dựa trên luật lệ, cội rễ từ luật pháp quốc tế, không áp đặt hay ép buộc, tăng cường an ninh và thịnh vượng, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hoà bình mọi tranh chấp và bất đồng, đảm bảo các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Bộ Tứ không đề cập đích danh Trung Quốc nhưng thiên hạ luận giải từ những nguyên tắc nói trên ra chủ ý của Bộ Tứ là đối phó Trung Quốc.
Đúng là sự hợp tác bốn bên này hay liên minh an ninh tay ba AUKUS đều ẩn chứa hàm ý đối phó Trung Quốc vởi tất cả các bên liên quan đều cảm nhận thấy bị Trung Quốc thách thức hoặc đe doạ trên lĩnh vực này hay ở phương diện khác. Nhưng rõ ràng bốn đối tác này nhằm tới những mục tiêu còn cao xa hơn, chiến lược hơn và bao trùm hơn thế nhiều khi cùng nhau định hướng việc cấu trúc khu vực lớn. Họ muốn hình thành khu vực mới đưa lại thịnh vượng bền vững cho họ.
Họ muốn gây dựng cuộc chơi vai trò, ảnh hưởng và lợi ích trên mọi phương diện ở khu vực lớn mà họ nắm giữ vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng chi phối và năng lực kiến tạo. Họ muốn xây dựng Bộ Tứ này thành mỏ neo giữ chặt và kết nội các hình thức và cấp độ tập hợp đối tác chung của cả bốn cũng như riêng, tay đôi hay tay ba với các đối tác khác ở trong hay ngoài khu vực.
Họ chủ ý xác định luật chơi chung cho cuộc chơi mới này mà các bên mới tham gia chỉ có thể bổ sung chứ không thể thay đổi. Ngay từ đầu, bốn bên này chủ ý không đề cập cụ thể đến việc đối phó Trung Quốc để không đẩy các đối tác ở trong cũng như ngoài khu vực phải lựa chọn giữa họ và Trung Quốc hay bị khó xử giữa họ và Trung Quốc.
Nội dung bản tuyên bố chung cơ bản không có gì mới mẻ nhưng bản thân cuộc gặp cấp cao trực tiếp này ở Mỹ lại có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực đối với Bộ Tứ. Họ chính thức đưa ra tuyên ngôn về khai phá khu vực lớn. Bốn bên muốn phát đi thông điệp là Bộ Tứ thật sự cùng hội cùng thuyền trong tầm nhìn và ý tưởng của họ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông điệp thứ hai của họ là họ đã bắt đầu tiến trình dần thể chế hoá khuôn khổ diễn đàn bốn bên này. Bộ Tứ đã có lời mời chào hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực lớn. Họ rồi đây thành công hay không hoặc thành công đến đâu phụ thuộc vào việc họ có duy trì được tình trạng thực sự cùng hội cùng thuyền cả về lâu dài hay không, vào mức độ tiếp nhận của các đối tác ở trong cũng như ngoài khu vực và đương nhiên vào cả việc Trung Quốc sẽ ứng xử như thế nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.