Chính sách của Mỹ với Đài Loan: Chủ ý hay lỡ lời ?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ ba, ngày 26/10/2021 08:00 AM (GMT+7)
Lần thứ hai kể từ khi chính thức nhậm chức đến nay, tổng thống Mỹ Joe Biden có phát ngôn hàm ý có sự thay đổi rất cơ bản trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
Bình luận 0
Chính sách của Mỹ với Đài Loan: Chủ ý hay lỡ lời ? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Biden ngày 21/10 cho biết Mỹ có cam kết bảo vệ Đài Loan. Ảnh DW

 Lần đầu tiên vào hồi tháng 8 năm nay. Khi trả lời phỏng vấn hãng truyền hình ABC, ông Biden khẳng định cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong Nato theo đúng tinh thần và lời văn của Điều 5 của Hiệp ước Nato và bổ sung "Tương tự như vậy đối với Nhật Bản. Tương tự như vậy đối với Hàn Quốc. Tương tự như vậy đối với Đài Loan". 

Lần thứ hai vào ngày 21/10 vừa qua. Khi phóng viên của hãng CNN đặt câu hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, ông Biden đã quả quyết: "Có. Chúng ta có cam kết làm việc ấy".

Trên phương diện này, ông Biden đã đi xa hơn tất cả những người tiền nhiệm. Mỹ có hẳn những bộ luật với cam kết giúp Đài Loan đảm bảo an ninh bất kể quan điểm chính thức là theo đuổi chính sách "Một nước Trung Quốc". 

Nhưng trước ông Biden, chưa có tổng thống Mỹ nào phát ngôn rõ ràng và công khai là Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. Cho tới nay, Mỹ dùng việc bán vũ khí cho Đài Loan và hậu thuẫn Đài Loan về chính trị cũng như thường xuyên răn đe và cảnh báo Trung Quốc để thể hiện và thực hiện cam kết bảo đảm an ninh cho Đài Loan. 

Cả hai phát ngôn của ông Biden trong năm nay liên quan đến Đài Loan đều hàm ý phía Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc hay ai đó khác dùng vũ lực tấn công.

Xưa nay,  Đài Loan chiếm vị trí rất quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và chiến lược của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan và quan hệ của Mỹ với Đài Loan còn là chuyện đối nội vô cùng nhạy cảm ở Mỹ. 

Vì thế, chừng nào còn theo cuộc chơi ảnh hưởng và uy quyền địa chiến lược toàn cầu, chừng nào còn phải đối phó và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, chừng đó Mỹ không thể và không dám buông bỏ Đài Loan để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. 

Mới đây, Trung Quốc nhiều lần công khai khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan vào đại lục và tin chắc rằng sẽ đạt được mục tiêu này. Nhưng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Đài Loan như thế và quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan đã được như thế thì phía Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại không thể không nhận thấy rằng chuyện thống nhất kia chỉ có thể xảy ra khi Mỹ hoàn toàn buông bỏ Đài Loan hoặc khi Đài Loan tự nguyện thống nhất với đại lục. Chừng nào Mỹ còn giăng ô bảo vệ cho Đài Loan thì chừng đó không có chuyện Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Nếu phát ngôn nói trên của ông Biden chỉ là lỡ lời hoặc ngẫu hứng thì câu hỏi được đặt ra ngay là chẳng nhẽ ngẫu hứng cùng ý tưởng những hai lần trong khoảng thời gian ngắn. Ông Biden từng trải chính trường Mỹ và thế giới đến mức thật sự khó tin phát ngôn ngẫu hứng hay lỡ lời. Nếu như phát ngôn nói trên của ông Biden là chủ ý thì nó ẩn chứa sự điều chỉnh chiến lược rất cơ bản mà xưa nay chưa từng thấy có ở Mỹ. Nhưng nếu ông Biden thực sự chủ trương điều chỉnh chiến lược thì cách thức đưa ra công khai lại không bài bản như vẫn thường thấy.

Rất có thể ông Biden cố tình tạo ra sự mập mờ này, mập mờ giữa thổ lộ ý định và chưa mặn mà cho lắm với việc triển khai thực hiện ý định. Nhưng dù thế nào thì tình trạng này cũng cho thấy ông Biden muốn nhấn mạnh mức độ Mỹ cảnh báo và răn đe Trung Quốc về Đài Loan. 

Ông Biden đề cao và coi trọng mối qyan hệ đồng minh với Đài Loan. Người này không những chỉ tăng cường cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện với Trung Quốc mà còn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình định hình khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nên Đài Loan càng thêm quan trọng đối với Mỹ.

Đối với Trung Quốc, ông Biden chủ ý hay lỡ lời thì tác động vẫn như nhau bởi Đài Loan vẫn là một vướng mắc cơ bản mà không biết có khắc phục được hay không trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thuyết phục Đài Loan tự nguyện thống nhất với Trung Quốc còn khó hơn cả việc thuyết phục Mỹ từ bỏ cam kết bảo đảm an ninh cho Đài Loan đối với Trung Quốc. 

Cho nên Trung Quốc trước mắt vẫn sẽ phải tiếp tục định hướng chính sách lâu nay là duy trì quan điểm "Một nước Trung Quốc" trong chính sách đối ngoại, găng với Mỹ, gia tăng áp lực và o ép Đài Loan cũng như tìm cách phân rẽ Mỹ với Đài Loan. Mỹ và Trung Quốc rồi sẽ đi vào thoả hiệp nào đấy với nhau trên phương diện này hay ở khía cạnh khác, nhưng sẽ không như thế về Đài Loan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem