Sau khi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Chương trình OCOP, huyện Lục Ngạn cũng thành lập ban điều hành Chương trình OCOP cấp huyện để triển khai các nhiệm vụ.
Từ những ngày đầu thực hiện chương trình, huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn lựa chọn sản phẩm để "nuôi dưỡng" theo các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Ngoài công tác tập huấn, huyện đã tổ chức cho lãnh đạo, cán bộ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn; lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh về cách thức tổ chức triển khai sản phẩm OCOP.
Qua đó giúp cho người dân, chủ thể có nhu cầu tham gia chương trình hiểu về OCOP, lợi ích cũng như điều kiện cần thiết khi tham gia chương trình. Tất cả các xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều xác định được tầm quan trọng của việc được công nhận sản phẩm OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn.
Với những cách triển khai đúng hướng, phù hợp với thực tiễn, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay huyện Lục Ngạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có 20 sản phẩm trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm 3 sao.
Để khuyến khích các thủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong huyện đã hào hứng vào cuộc đồng hành cùng chính quyền địa phương.
Ông Tăng Văn Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Thế mạnh của huyện lục Ngạn là phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Các sản phẩm được xếp hạng OCOP chủ yếu là các sản phẩm về lĩnh vực cây ăn quả như vải thiều, cam, bưởi, một số đồ chế biến từ hoa quả của địa phương và mỳ chũ.
"Thông qua việc tham gia chương trình, các chủ thể sản xuất đã hiểu rõ được lợi ích của chương trình, giúp hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới" – ông Huy cho biết thêm.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai chương trình OCOP, huyện Lục Ngạn cũng gặp không ít những khó khăn. Trưởng phòng NN&PNTN huyện Lục Ngạn cho biết: Đây là chương trình mới nên công tác triển khai đến các xã, các chủ thể để thực hiện còn nhiều lúng túng. Do vậy, để đồng hành giúp đỡ các chủ thể, UBND huyện đã giao phòng nông nghiệp và PTNTN làm đấu mối, khảo sát các sản phẩm, nếu thấy có tiềm năng thành sản phẩm OCOP sẽ định hướng, hướng dẫn chủ thể sản xuất triển khai hồ sơ, thủ tục.
Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm OCOP của huyện trong thời gian tới, ông Huy cho hay: Trong giai đoạn 2021 – 2025, Lục Ngạn sẽ chỉ đạo các chủ thể xây dựng sản phẩm chủ lực của huyện phấn đấu có 3 sản phẩm đạt 5 sao trong đó có mỳ chũ, vải thiều, cam bưởi. Ngoài ra, huyện Lục Ngạn còn là tốp đầu của tỉnh phát triển chăn nuôi, vì vậy trong giai đoạn tới huyện sẽ phấn đấu 1-2 sản phẩm OCOP về chăn nuôi như ngựa (xã Phong Vân), nuôi dê (xã Yên Sơn) và nuôi trâu (xã Phong Minh).
Cũng theo ông Huy, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid, nhưng năm 2021, huyện Lục Ngạn cũng đã chấm được 5 sản phẩm, đó là các sản phẩm từ vải thiều, mỳ chũ.... Dự kiến sẽ có 2 sản phẩm mỳ của HTX Trại Lâm và Vải thiều của HTX Lục Ngạn xanh đạt 4 sao.
Đánh giá hiệu quả của chương trình OCOP, ông Huy nhận xét: Chúng tôi đánh giá rất cao về Đề án mỗi xã một sản phẩm, vì ngoài việc tạo ra những sản phẩm đạt quy chuẩn, chúng tôi cũng đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất, chết biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị. Các sản phẩm sau khi được xếp hạng OCOP đều có thị trường tiêu thụ rất tốt, vươn ra nhiều thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
"Trong thời gian tới huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích khi tham gia chương trình OCOP và tích cực hưởng ứng để nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện" - ông Huy cho biết thêm.