Nông dân Bắc Giang với nhiều mô hình thu tiền tỷ

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 01/11/2021 11:02 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2016-2021, qua bình xét, mỗi năm tỉnh Bắc Giang có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD). Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu có mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Nhiều mô hình thu tiền tỷ

Ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Những năm qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, ảnh hưởng tích cực đến đời sống của nông dân các dân tộc trong tỉnh. Từ phong trào, nông dân đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất ra sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2020, Bắc Giang có hơn 107.600 hộ SXKD giỏi. Trong đó, có 86.414 hộ cấp cơ sở, 17.340 hộ cấp huyện, 3.240 hộ cấp tỉnh và 614 hộ cấp Trung ương. Qua bình xét, mỗi năm Bắc Giang có hơn 100.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 82% số hộ đăng ký.

Nông dân Bắc Giang giàu lên từ nuôi cá, trồng cam - Ảnh 1.

Gia đình chị Lưu Thị Phương (thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc trồng cam hữu cơ. Ảnh: Minh Ngọc

Giai đoạn 2022-2026, tỉnh Bắc Giang phấn đấu hàng năm có từ 50% số hộ nông dân trở lên đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.

Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giai đoạn từ năm 2016-2021, với hơn 56 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã cho gần 2.000 hộ vay để thực hiện hơn 230 dự án. Đồng thời, Hội phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 68.000 hộ vay với tổng dư nợ hơn 4.800 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 1 đến hơn 3 tỷ đồng/năm.

Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm (thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê (xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Hay như mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, (xã Hợp Đức, Tân Yên) thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Ánh (xã Bảo Đài, Lục Nam) cho thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 102.000 lượt hội viên, nông dân; cung ứng 24.000 tấn phân bón trả chậm; xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, hướng dẫn thành lập 71 hợp tác xã và 191 tổ hợp tác, cùng hơn 1.000 tổ liên kết và chi hội nông dân nghề nghiệp… Đồng thời, Hội tăng cường thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Nhân lên khát vọng làm giàu

Vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Đạt (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên) cho biết, ông vốn sinh ra ở vùng quê thuần nông, đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi xây dựng gia đình, ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao để phát triển kinh tế gia đình và quyết tâm vượt qua đói khổ với nghề nông.

Được Hội Nông dân xã, Chi hội nông dân của thôn tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình ông Đạt đã quyết định phát triển nghề chăn nuôi cá.

"Được Hội giới thiệu đi tham quan, học tập thực tế tại các mô hình nuôi trồng thủy sản ở trong xã, huyện và các nơi khác trong tỉnh, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận 0,5ha đất, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống ao nuôi, đường đi, đường điện, hệ thống xử lý môi trường"- ông Đạt chia sẻ.

Hiện nay, gia đình ông Đạt là nơi cung cấp cá giống không chỉ cho những hộ dân lân cận mà còn được cung cấp đến những nơi xa như huyện Lục Nam, huyện Lục Ngan và tỉnh Bắc Ninh… Ông Đạt chia sẻ thêm: "Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 12-15 lứa cá giống, trừ tri phí còn thu lãi được khoảng 450 triệu đồng".

Cũng vươn lên từ khó khăn, làm giàu trên mảnh đất quê hương, gia đình chị Lâm Thị Phương (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) hiện nay có thu nhập 4 tỷ đồng/năm từ mô hình trồng cam.

Chị Phương cho biết, gia đình chị trồng hơn 1.000 gốc cam đường canh, trong đó có 700 cây đang cho quả. Vụ cam cuối năm 2020, sản lượng quả đạt gần 120 tấn.

Để có vườn cam ra nhiều trái, đều quả và đẹp mắt, gia đình chị Phương đã áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng phân bón hoá học mà 100% cây cam trong vườn được "ăn" phân chuồng đã ủ hoai mục. "Vụ cam cuối năm vừa qua, gia đình tôi bán với giá 48.000-50.000 đồng/kg. Doanh thu từ vườn cam đạt khoảng 5-6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 4 tỷ đồng"- chị Phương phấn khởi cho hay.

Cuối năm 2020, trong Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, một cây cam ngọt của gia đình chị Phương đã được đấu giá với mức 65 triệu đồng. Theo đánh giá, vườn cam của gia đình chị Phương là một trong những vườn có sản lượng và giá trị kinh tế cao nhất huyện Lục Ngạn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem