Ông Hồ Minh Hường (thôn 18, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có 15 cây cau khoảng 8 năm tuổi được trồng ở bờ rào trước nhà, nhằm mục đích làm cảnh và tạo bóng mát.
Trước đây, cau giá tươi thấp, thỉnh thoảng gia đình ông bán được vài buồng cau, lợi nhuận không đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cau tươi bất ngờ tăng giá, gia đình ông Hường bỗng có một khoảng thu nhập khá lớn từ chính cây trồng mà trước giờ không để mắt tới.
"Từ đầu năm đến nay, 15 cây cau nhà tôi cho khoảng hơn 6 tạ trái, chỉ tính giá trung bình 60.000 đồng/kg gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng. Trước giờ những cây cau này gia đình không chăm sóc, chủ yếu để làm cảnh quan, nhưng nay cau tươi lên giá lợi nhuận quá bất ngờ", ông Hường phấn khởi nói.
Thấy cau có giá, ông Hường quyết định mua thêm 50 cây cau giống trồng thêm vào bờ rào xung quanh vườn. Theo cách tính của ông Hường, cau khi trồng đến khi cho trái mất khoảng 4 năm. Trong đó, trung bình cau ra được 5-6 đợt trái/ năm.
"Nếu mức giá cau giữ được hiện nay thì trung bình mỗi năm 1 cây cau sẽ cho thu nhập nhập từ 4-5 triệu đồng, lợi nhuận nhiều hơn các cây trồng khác, mà không phải tốn chi phí chăm sóc, cũng chẳng phải phun xịt thuốc hại người...", ông Hường tính.
Cũng như ông Hường, từ đầu năm đến nay nhiều nông dân ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) bắt đầu mở rộng diện tích trồng cau, hy vọng cải thiện thêm thu nhập từ vườn cây của gia đình.
Đi dọc theo tuyến đường liên xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) – Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) chúng tôi bắt gặp nhiều khu vườn đã xuống giống hàng trăm cây cau. Không chỉ trồng ở bờ rào, nhiều nông dân còn mạnh dạn trồng xen cau trong vườn cà phê, tiêu với hy vọng có thêm nguồn thu nhập từ cây trồng này.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ vựa cây giống ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) thừa nhận từ đầu năm đến nay nông dân trên địa bàn huyện chuyển qua trồng cau rất nhiều, do đó các vựa cây giống đều bị cháy hàng cau giống.
"Từ đầu năm đến nay tôi nhập về hàng ngàn cây cau giống nhưng cây vừa về là có người tới mua hết. Hiện nay nhiều người cũng đặt hàng nhưng tôi chưa tìm được nguồn cây để nhập về bán cho nông dân", ông Tôn chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Minh - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, giá cau tươi tăng đột biến khoảng 1 năm gần đây. Trong đó, huyện Cư Kuin được xem là đầu mối thu gom cau cho các huyện.
Các thương lái thu mua cau chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để làm kẹo cau. Hiện nay, trên địa bàn huyện cũng có một số khu vực phát triển trồng cau nhưng chủ yếu trồng ở bờ rào và xen kẽ trong vườn cà phê, tiêu…
"Ngành nông nghiệp của huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trồng cau nhiều. Đặc biệt cũng hạn chế thay cây cau bằng các cây trồng cũ vì hiện nay cau vẫn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên thị trường chưa ổn định, dễ rủi ro", ông Minh khuyến cáo.
ThS. Lê Thị Hạnh Phúc, Khoa Nông – Lâm (Trường Cao Đẳng Công nghệ Tây Nguyên) đánh giá, cau là loại cây rễ nhiều, dễ làm xấu đất. Ở những khu vực đất đá, cằn cổi không đa dạng được cây trồng thì trồng cây cau là giải pháp hợp lý.
"Tuy nhiên, đối với những khu vực đất đai màu mỡ, nếu ồ ạt trồng nhiều cây cau sau này khó phát triển những cây trồng khác. Nông dân nên có cách nhìn tổng quan, phải tìm được thị trường tiêu thụ cau lâu dài, không nên thấy cây trồng nào có giá trị tức thời mà đổ xô vào trồng sẽ dễ rủi ro", bà Lê Thị Hạnh Phúc đưa ra lời khuyên.