Tây Nguyên trong đó có tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch cà phê trong bối cảnh giá cà phê tăng cao. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê diễn ra khắp nơi. Nông dân ngồi như "ngồi trên đống lửa" vì thiếu người hái cà, không thu hoạch cà phê đúng thời vụ sẽ thiệt hại.
Tình trạng khan hiếm nhân công thu hái cà phê diễn ra ở nhiều địa phương. Người dân tìm đủ mọi phương án để "săn" lao động. Nhiều người, đăng tải thông tin tìm kiếm nhân công trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...để tìm lao động.
Ông Lê Văn Cương (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau nhiều ngày liên hệ lao động thu hái cà phê ở địa phương nhưng không được ông đã lên mạng xã hội đăng tải thông tin tìm lao động thu hái. Chỉ vài phút sau, khá nhiều người đã tiếp cận và nhận thu hái cà phê cho ông.
"Nhà nào trồng nhiều cà phê lại đang vào rộ vụ thu hái, nếu thuê được nhân công thì phải "nịnh" rồi "o bế" đủ đường may ra mới giữ được. Chứ không, lơ mơ vào một buổi sáng đẹp trời, người hái cà phê thuê đùng 1 cái, bỏ sang vườn khác hái...thì chủ vườn đành bó tay...", ông Cương tiết lộ.
Theo ông Cương, trên mạng xã hội như Facebook, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các hội nhóm chuyên trao đổi, thuê mướn hoặc có nhu cầu về việc làm. Đặc biệt, các hội nhóm liên quan đến thu hái cà phê được lập ra rất nhiều và thu hút đông đảo người dùng mạng xã hội tham gia.
"Hiện nay số lượng lao động về từ các tỉnh phía Nam còn ở lại địa phương khá nhiều và đang thất nghiệp. Số lao động này cũng cần việc làm để có thu nhập nhưng không tiếp cận được với các nơi cần lao động nên dẫn đến nơi thừa lao động, nơi thiếu hụt. Do đó, sử dụng các mạng xã hội để tìm lao động là giải pháp hay để người lao động có thể tiếp cận được với những nơi thiếu lao động để đáp ứng", ông Cương cho biết thêm.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông niên vụ cà phê 2021 cần khoảng 13 triệu công lao động thu hái, trong khi đó lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Chính vì thế, việc hình thành "chợ" nhân công online vừa giải quyết được nhu cầu việc làm, vừa góp phần phân phối, điều hòa lực lượng lao động giữa các địa bàn.
Hơn nửa tháng nay, vườn cà phê của gia đình ông Hồ Minh Điệp (thôn 18, xã EaKtur, huyện Cưkuin, Đắk Lắk) chín đỏ rực, nhưng không có người thu hái.
Ông Điệp cho biết, giá cà phê tăng mạnh, nhà ông có hơn 2 ha cà phê, mọi năm ông thuê nhân công ở tỉnh Phú Yên lên thu hái, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân công cũ không lên được nên ông phải tìm nguồn lao động ở địa phương để thay thế.
Thế nhưng, hơn 2 tuần dù liên hệ khắp nơi nhưng ông Điệp vẫn không tìm được người thu hái. "Tôi liên hệ với nhiều lao động địa phương, thậm chí nâng mức giá lao động lên cao hơn ngày bình thường nhưng họ đã nhận hái cho các vườn khác", ông Điệp buồn rầu nói.
Theo ông Điệp với 2 ha cà phê nhà ông mọi năm cần 5 nhân công thu hoạch liên tục hơn 1 tháng mới xong. Nhưng với tình trạng khan hiếm nhân công như hiện nay vườn cà phê của nhà ông có nguy cơ chín rụng hao hụt hết sản phẩm.
Việc khan hiếm nhân công dẫn đến giá lao động được đẩy cao hơn trước đây, bà Lê Thị Thuý (xã Hoà Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, trước đây giá nhân công thu hái cà phê chỉ dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/ngày. Thế nhưng hiện nay giá nhân công hái cà phê tăng lên mức 250.000 – 300.000 ngàn đồng/ngày.
Thậm chí nhiều chủ vườn trồng cà phê ngoài việc tăng giá nhân công còn hỗ trợ cơm trưa, chỗ ăn nghỉ, xe vận chuyển với hy vọng thu hoạch cà phê đúng thời vụ...", bà Thúy chia sẻ.
Hiện nay, chính quyền một số địa phương khu vực Tây Nguyên còn khuyến khích các chủ vườn thuê nhân công nên được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 và trong quá trình làm việc phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là giữ khoảng cách giữa các nhóm người lao động.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, chế biến cà phê...Đồng thời các địa phương cần tận dụng tối đa lượng người từ các tỉnh thành phía Nam về (34.000 người), tập huấn, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và tạo điều kiện đi lại. Trường hợp vẫn thiếu nhân công, đặc biệt ở vùng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cao, UBND tỉnh đề nghị chính quyền rà soát, báo cáo cụ thể, nhờ lực lượng quân đội hỗ trợ...