Mới đáp ứng 20% nhu cầu của thế giới, doanh nghiệp khuyên nông dân Tây Nguyên nên trồng ngay cây này
Mới đáp ứng 20% nhu cầu của thế giới, doanh nghiệp khuyên nông dân Tây Nguyên nên trồng ngay cây này
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 25/09/2021 12:24 PM (GMT+7)
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức sáng 25/9, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, nhu cầu tiêu thụ chanh leo, sầu riêng, những sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên đang rất lớn.
Chanh leo mới đáp ứng được 20% nhu cầu của thế giới, sầu riêng Ri6 Tây Nguyên được ưa chuộng hơn cả Musang King
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, trong khi các tỉnh Tây Nguyên đang lo lắng về đầu ra cho các nông sản chủ lực của tỉnh như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,... thì các doanh nghiệp lại quan tâm đến nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến vì thường xuyên thiếu những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu.
Bà Ngô Tường Vy cho biết, trong 1 năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty Chánh Thu mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…
"Điều đáng mừng là tại các thị trường này, sầu riêng Ri6 của Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt, tại Úc, sầu riêng Ri6 của Việt Nam còn được ưa chuộng hơn cả sầu riêng Musang King của Malaysia" - bà Vy cho biết.
Xác định sầu riêng là sản phẩm chủ lực nên Công ty Chánh Thu đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300-500 tấn/ngày. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của công ty vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào.
"Hy vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Đắk Lắk có thể cung cấp được cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng, qua đó xây dựng được tư duy về nguồn cung ổn định nơi người nông dân”, bà Tường Vy nói.
Ngoài sầu riêng, theo bà Vy, quả chanh leo tại Tây Nguyên cũng là sản phẩm rất đáng được quan tâm. Nhu cầu quả chanh leo tươi của thế giới lớn, Việt Nam cần có những đề án hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch để có thể xuất khẩu.
Tương tự, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết, hiện nay ở Tây Nguyên, công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến.
"Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra, trong khi đó hiện nay sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới. Chính vì vậy các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn”, ông Đinh Cao Khuê gợi ý.
Ngoài chanh leo, tại khu vực Tây Nguyên hiện nay, DOVECO có 1.200 ha trồng dứa tại Gia Lai, chỉ mất 9 tháng đã có thể xử lý, chế biến.
“Quả dứa trồng tại Tây Nguyên có đặc điểm ít sâu bệnh, năng suất cao với 45-70 tấn tùy loại. Với mức tiêu thụ 200-250 tấn/ngày của DOVECO, thời gian tới công ty sẽ cung cấp giống và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với những vùng nguyên liệu”, ông Khuê nhấn mạnh.
Muốn ăn quả bơ, sầu riêng Tây Nguyên ngon nhất phải làm thế nào?
Có thể thấy, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của các tỉnh Tây Nguyên tương đối lớn.
Ông Hồ Phước Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Ngoài sản lượng cà phê, hồ tiêu, cao su, Gia Lai còn có 18.000ha trái cây (chủ yếu là bơ, sầu riêng, chanh leo, mít, chuối, xoài…) và 34.000ha rau các loại cần được kết nối tiêu thụ.
“Diện tích sầu riêng, bơ, mít, nhãn… chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch, đặc biệt là 6.000ha rau cho thu hoạch thường xuyên. Ngoài ra, Gia Lai còn có khoảng 1.000ha khoai lang với tổng sản lượng trên 10.000 tấn”, ông Thành thông tin.
Tương tự, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong tháng 9, 10 tỉnh còn một số sản phẩm rau, quả tươi cần được kết nối tiêu thụ như 7.000-9.000 tấn bơ, 12.000-15.000 tấn sầu riêng và một số sản phẩm khác.
Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này đang có 20.000 tấn sầu riêng, 10.000 tấn bơ đến kỳ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ sớm để được giá tốt nhất.
Rõ ràng, sản lượng nông sản của Tây Nguyên cần kết nối tiêu thụ rất lớn nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn thiếu nguyên liệu chế biến, các doanh nghiệp bán lẻ chưa tiếp cận được?
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước.
“Các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng 2 bên cũng cần mối liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh để có thể bán hàng đa kênh, đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường”, bà Hậu nói.
Bà Hậu lấy ví dụ, các sản phẩm như sầu riêng, bơ khi đến Hà Nội thì người tiêu dùng cần phải biết khi nào ăn được, ăn ngon nhất.
Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng.
Đồng tình với những kiến nghị của các địa phương ở Tây Nguyên trong việc thúc đẩy kết nối, tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Trong thời gian tới, Diễn đàn sẽ xây dựng sàn giao dịch nông sản của cả nước”.
Để sàn giao dịch hoạt động có hiệu quả và kết nối tốt người mua và người bán, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao để cập nhật các thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ vùng trồng cũng như đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn. Qua đó đem lại lợi ích giữa người sản xuất cũng như doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.