Dân Việt

Doanh nghiệp vận tải lo không có tiền lắp camera giám sát hành trình

Đức Cường - Bùi Phụ 20/11/2021 16:27 GMT+7
Hơn 1 tháng nữa là đến ngày 1/1/2022, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt những xe kinh doanh vận tải không gắn camera nhưng hiện rất còn nhiều doanh nghiệp chưa gắn camera theo quy định…

Theo quy định, trước ngày 1/1/2022, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, ôtô vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Thế nhưng thời điểm cận kề, nhiều nhà xe vẫn chưa gắn camera theo quy định.

Doanh nghiệp vận tải lo không có tiền lắp camera giám sát hành trình - Ảnh 1.

Nhà xe Thiện Trí chạy tuyến Ninh Thuận-TP.HCM cho biết chưa đủ tiền gắn camera theo quy định. Ảnh Đức Cường

Vay tiền gắn camera hành trình

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ vận tải Thiện Trí (Ninh Thuận) cho biết, công ty có 15 xe hoạt động tuyến Ninh Thuận-TP.HCM và ngược lại nhưng suốt từ tháng 4/2021 đến nay, hầu như ngưng hoạt do dịch Covid-19.

“Dịch Covid-19 ập đến, công ty chúng tôi chỉ được hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe tải nhỏ để duy trì việc chi trả lương, đảm bảo đời sống cho nhân viên trong công ty là cố gắng lắm rồi. Nay tỉnh Ninh Thuận đã cho phép mở lại hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định rất vui nhưng chúng tôi đang phải đau đầu vì phải có đủ số tiền gần 200 triệu đồng để lắp đặt camera trước ngày 31/12/2021. Trong giai đoạn khó khăn này số tiền trên đối với chúng tôi quá lớn. Nếu không vay được tiền, đành phải đứng bánh, ngưng hoạt động tiếp chứ biết sao bây giờ…”, ông Dũng than vãn.

Nhà xe thương hiệu TT chạy tuyến Ninh Thuận-TP.HCM cũng có chung tâm trạng vì chưa vay chưa đủ tiền gắn camera khi thời gian cận kề.

Trao đổi với Dân Việt, chủ nhà xe TT buồn giọng: “Hơn 10 xe giường nằm của tôi mấy tháng qua nằm im, không có doanh thu. Nay nghe tỉnh Ninh Thuận cho chạy xe trở lại vui lắm, nhưng tôi phải đi vay tiền để gắn camera cho 4 chiếc để đủ tiêu chuẩn đưa đón “thượng đế” của mình. Những xe còn lại vay chưa được tiền nên tạm thời ngưng hoạt động…”.

Theo sở GTVT Ninh Thuận, hiện nay chỉ mới có một nhà xe đăng ký hoạt động lại tuyến cố định Ninh Thuận-TP.HCM với tần suất mỗi ngày 2 chuyến. Các nhà xe còn lại đa số đều nằm yên vì nhiều lý do khác nhau. Do khó khăn vì dịch bệnh, một số nhà xe đã không trụ vững, phải bán bớt xe...

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, hiện nay, hoạt động vận tải hành khách tại Ninh Thuận rất thưa thớt, các nhà xe vẫn chưa mạnh dạn đưa xe vào khai thác. Bởi hiện nay nhu cầu đi lại của người dân rất thấp, trong khi giá nhiên liệu tăng cao. Chưa kể đến các quy định về phòng chống dịch mỗi xe chỉ được chở tối đa 50% nên các nhà xe tỏ ra e ngại...

Tự gắn camera giám sát hành trình coi chừng tiền mất tật mang

Anh Trần Tuấn, chủ một doanh nghiệp vận tải có nhiều xe đầu kéo ở Bình Thuận (có bãi xe ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, mấy ngày qua anh phải đi vay mượn bạn bè số tiền hơn 300 triệu đồng lắp đặt camera và thay thiết bị cho hơn 20 chiếc xe của doanh nghiệp mình nhưng chưa đủ.

“Suốt gần cả năm qua, đoàn xe của tôi gần như thất nghiệp vì dịch bệnh. Xe nằm một chỗ, nhiều thiết bị xuống cấp, hư hỏng, buộc phải thay mới như bình ắc quy, lốp... Mấy ngày qua vừa lo tiền sửa xe để chạy lại hàng cuối năm, còn phải lo tiền lắp camera nên đuối sức lắm…”, anh Tuấn nói.

Anh Trần Tuấn cho biết, một xe đầu kéo của mình xe phải gắn 2 camera đạt tiêu chuẩn khoảng hơn 7 triệu đồng và phải đóng khoảng 880.000 đồng/năm tiền thuê bao dịch vụ 4G mới đủ bộ, không bị phạt.

Doanh nghiệp vận tải lo không có tiền lắp camera giám sát hành trình - Ảnh 4.

Các phương tiện giao thông qua trạm thu phí Sông Phan tỉnh Bình Thuận. Ảnh Bùi Phụ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường chào mời gắn camera giám sát trên xe đang diễn ra sôi động ở các tỉnh gần TP.HCM. Giá cả thì “thượng vàng hạ cám” và có một số nhà xe, do không tìm hiểu kỹ đã mua nhầm những thiết bị trôi nổi bên ngoài về tự gắn. Và đến khi kết nối với các cơ quan quản lý đã không được do chất lượng kém…

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Bình Thuận) cho biết, tính đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp vận tải bổ sung đăng ký và thông báo đã lắp đặt camera theo quy định.

Trước thông tin một số nhà xe tự mua camera về gắn nhưng không kết nối được, lãnh đạo phòng này cho rằng, trước đó, phòng cũng thông báo cho tất cả các nhà xe cần phải lưu ý việc này. Và nhà xe nên chọn những nhà cung cấp thiết bị chuẩn, có chất lượng tốt mới đủ sức truyền hình ảnh về các cơ quan chức năng quản lý. Nếu mua hàng kèm chất lượng sẽ không truyền được hình ảnh…

Trước đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị các Sở GTVT khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh. Trước khi lắp đặt cần lưu ý kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: Số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ GPS) của xe và thời gian. Camera phải đảm bảo truyền dữ liệu hình ảnh về đơn vị kinh doanh vận tải và về Tổng cục Đường bộ với tần suất 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu).

Doanh nghiệp vận tải lo không có tiền lắp camera giám sát hành trình - Ảnh 5.

Đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT tỉnh Bình Thuận làm nhiệm vụ tuần tra trên Quốc lộ 1. Ảnh Bùi Phụ

Dữ liệu từ camera được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép đảm bảo giám sát công khai minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Theo Tổng cục Đường bộ VN, đến gần giữa tháng 9/2021 mới có gần 15.500 xe lắp camera, đạt tỷ lệ 7,5%. Một số địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao như: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%, còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đặt dưới 20%.

Doanh nghiệp vận tải thêm chi phí

Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, với mức giá của camera hiện nay, nếu lắp trên xe khách loại từ 30 chỗ trở lên cần 4 camera với chi phí 10 -11 triệu đồng/xe. Nếu tính cho việc lắp đặt khoảng 300.000 xe thuộc diện phải lắp thì chi phí hơn 3.000 tỷ đồng, chưa kể phí truyền dữ liệu hằng tháng.

Là một địa phương có lượng xe từ các tỉnh về và hoạt động nhiều nhất, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp Hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM nhận định: Gần 2 năm qua, hầu hết các doanh nghiệp ngành vận tải đều bị thiệt hại nặng nề, nhỏ thiệt nhỏ, lớn thiệt hại lớn vì Covid-19. Nay doanh nghiệp vận tải phải bỏ thêm một khoảng tiền lớn để mua camera gắn thêm trên xe là đặt thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Theo ông Tính, các cơ quan cấp trên cần giãn thời gian xử phạt để doanh nghiệp nhẹ gánh...

Doanh nghiệp vận tải lo không có tiền lắp camera giám sát hành trình - Ảnh 6.

Các nhà xe hoạt động tại bến xe miền Đông TP.HCM. Ảnh Bùi Phụ chụp thời điểm đầu năm 2021

Ông Tính cũng nhắc lại chuyện gần cả chục năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp vận tải cả nước đã bỏ nhiều tiền lắp thiết bị GPS theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước. Việc này tốn kém cho doanh nghiệp nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa tận dụng hết được các lợi thế của GPS. 

"Trước đây, dữ liệu giám sát GPS nhẹ hơn nhưng các cơ quan còn xử lý "chệch choạch" thì nay dữ liệu hình ảnh từ camera tuyền về nặng gấp vài ngàn lần thì hệ thống lưu trữ có đáp ứng nổi những hình ảnh truyền nhanh theo tốc độ yêu cầu của Tổng cục Đường bộ...?", ông Tính thắc mắc.

Không lắp camera hành trình sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định:

Trước ngày 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng; cá nhân kinh doanh vận tải bị phạt 5-6 triệu đồng. Với đơn vị kinh doanh vận tải là tổ chức thì phải nộp phạt 10-12 triệu đồng, bắt buộc phải lắp camera hành trình.

Từ 1/1/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với xe chưa lắp camera.

Trước đó, ngày 14/6, Bộ GTVT có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép: từ 1/7 đến hết 31/12/2021 chưa xử lý vi phạm hành chính theo quy định của nghị định 100 đối với xe chở container, xe đầu kéo chưa lắp đặt camera ghi, lưu trữ hình ảnh lái xe. Từ ngày 1/1/2022 sẽ xử lý vi phạm hành chính đối với xe chưa lắp camera.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 khiến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhất là hoạt động vận tải hành khách nhiều nơi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của xe để phòng chống dịch.